Tối 20-1, giám đốc một công ty may khá nổi tiếng tại TP HCM gọi điện cho tôi. Giọng ông thật buồn khi nói về việc công ty gặp khó khăn, không thể thưởng Tết cho người lao động như mong muốn. Ông nói những người còn trụ lại với công ty đến hôm nay đều gắn bó hàng chục năm trời, họ đã đồng cam cộng khổ với ông từ khi thành lập công ty. Chỉ vì chuyện giảm tiền thưởng của mấy chục nhân viên gián tiếp mà mấy đêm rồi ông không ngủ được.
Ấm áp, nghĩa tình
Những cán bộ lâu năm của LĐLĐ quận 3, TP HCM không ai không biết công ty H. Đây là một doanh nghiệp quan tâm chăm lo mọi mặt cho người lao động và con em của họ: Lương, thưởng; hỗ trợ thai sản, tiền sữa, tiền tập vở, tiền trường, học bổng cho con công nhân (CN). Trước đây, khi công ty chưa gặp khó khăn, những ngày này cả công ty rộn ràng. Bữa tiệc tất niên không thiếu một ai: từ giám đốc, các trưởng phòng ban, công nhân trực tiếp, nhân viên bảo vệ... Mọi người vui vẻ ca hát, kể chuyện, bốc thăm trúng thưởng với phần thưởng là xe máy, tivi, tủ lạnh - những vật dụng thiết yếu với CN. Anh P.T.H, nguyên chủ tịch Công đoàn công ty nói rằng dù sau đó đã chuyển sang nơi khác làm việc vì lý do cá nhân nhưng tất niên nào cũng về công ty chung vui với anh em. “Tôi chưa thấy nơi đâu ấm áp, nghĩa tình như vậy. Anh chị giám đốc xem CN như bà con ruột thịt”- anh H. nhận xét.
Tìm gặp CN công ty H. sáng 21-1, nhiều người chảy nước mắt khi biết giám đốc mất ăn, mất ngủ vì lo chuyện lương, thưởng Tết. Họ cho biết sẵn lòng chia sẻ vì chắc chắn khi làm ăn tốt, công ty sẽ chăm lo cho họ chu đáo như trước đây. Một CN cho biết khi công ty khó khăn, nhiều người phải đi tìm việc nơi khác nhưng ai ra đi cũng lưu luyến, bịn rịn, mong công ty vượt qua khó khăn để họ được quay về. Đặc biệt, CN của công ty khi xin việc ở đâu, khi thấy ghi thông tin trước đây đã từng làm việc ở Công ty H. thì được nhận vào ngay, không cần thử việc.
Đặt mình vào vị trí người lao động
Có dịp theo đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đến thăm công ty Q.M (quận 2, TP HCM) mới đây, tôi càng hiểu rõ vì sao CN xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. “Giám đốc thương CN lắm” - chị Lê Thị Hương, CN tổ đóng nút, khoe như vậy. Chị Hương kể lúc trước, do yêu cầu bảo đảm vệ sinh nhà xưởng và an toàn - vệ sinh thực phẩm nên công ty quy định CN không được mang thức ăn từ nhà vào. Có một lần, giám đốc đột ngột xuống kiểm tra, một chị CN ở bộ phận dán nhãn lúng túng thế nào mà làm rớt cà mèn cơm trưa cất trong ngăn bàn xuống đất. Cơm, canh đổ ra lênh láng. Trong lúc chị sợ điếng người thì giám đốc đã cúi xuống cầm mọi thứ lên, gọi nhân viên tạp vụ đến lau dọn. Giám đốc ân cần hỏi và biết chị CN đó vừa cấn bầu, bị hôi cơm, tanh cá không ăn cơm nhà không được. Từ đó, giám đốc bỏ lệnh cấm mang cơm vô xưởng và bố trí tủ để mọi người cất thức ăn…
Khi tôi hỏi giám đốc công ty về chuyện này thì ông cười: “Thật ra mình cũng không hiểu hết CN nên cứ áp đặt này nọ. Chuyện cơm nước thì 9 người 10 ý, không thể làm hài lòng hết tất cả. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là trong mọi chuyện, phải làm sao cho CN tự giác chấp hành. Bây giờ thì toàn bộ CN đều ăn cơm tập thể vì công ty hỗ trợ tiền cơm, nhà ăn nấu nhiều món, CN có nhiều chọn lựa”. Ông cũng chia sẻ hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau trong quản lý lao động. Có người thích áp dụng biện pháp mạnh, kỷ luật sắt với lý do người lao động trình độ thấp, ý thức tự giác chưa cao… Riêng ông lại tâm đắc với việc tạo mối quan hệ hiểu biết, gần gũi, cởi mở trong doanh nghiệp của mình. Ông bộc bạch: “Tôi đọc nhiều tài liệu về tâm lý học và hay đặt mình vào vị trí người lao động để hiểu những gì đang xảy ra với họ; từ đó, tôi sẽ đưa ra cách giải quyết mà họ tương đối bằng lòng”.
Lợi nhuận không thể tính bằng tiền
Mới đây, khi đến thăm Công ty TNHH May Oasis (huyện Củ Chi, TP HCM), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cảm kích trước sự chăm lo của lãnh đạo công ty dành cho CN như lương, thưởng, phúc lợi, nhà ở, nhà trẻ, học bổng cho con CN… Ông cho rằng chi phí đầu tư cho sự chăm lo ấy sẽ mang lại khoản lợi nhuận vô cùng to lớn mà không thể tính bằng tiền: Đó là sự gắn bó, làm việc hết mình của tập thể lao động; là ý thức xem sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp gắn liền với cuộc sống của bản thân và gia đình mỗi người.
Bình luận (0)