Chỉ còn 1 tháng nữa là chúng ta bước sang năm 2020, tiến vào kỷ nguyên mới - thời kỳ mà robot, các ứng dụng, phần mềm và trí thông minh nhân tạo sẽ là chủ đạo trong mọi hoạt động của đời sống, bao trùm cả nền kinh tế và công tác quản trị. Vậy vai trò con người trong kỷ nguyên này sẽ như thế nào, đặc biệt là những người làm công tác quản trị nhân sự?
Truyền cảm hứng cho nhân viên
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển với các công nghệ tiên tiến như vậy, con người càng ít tương tác với nhau hơn và thường thông qua một "bức tường trung gian" là máy móc, phần mềm.
Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh của VietnamWorks, cho rằng công nghệ kỹ thuật phát triển và người làm công tác nhân sự cần phải nỗ lực nhiều hơn để theo kịp xu hướng chung của thế giới. Đây là điều không thể tránh khỏi nếu không muốn lạc hậu. Hơn nữa, khi sắp sửa bước sang những năm 2020, một kỷ nguyên được dự báo là sẽ có rất nhiều công nghệ mới xuất hiện, các nhà nhân sự lại càng phải học hỏi nhiều hơn nữa để thích nghi và làm việc hiệu quả hơn. "Tôi cho rằng yếu tố sống còn mà chuyên gia nhân sự nào cũng cần phải có trong tay trong thời đại số, đó chính là hi-tech (công nghệ cao). Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Ngoài hi-tech, nhà lãnh đạo cần có thêm hi-touch (khả năng kết nối, chạm đến trái tim để tạo ảnh hưởng lên hành vi) và h-trust (sự tín nhiệm cao, là chất keo kết dính đội ngũ, cùng đi đến thành công chung). Đó là 3 chữ "hi" mà bất cứ chuyên gia nhân sự nào cũng cần phải có trong kỷ nguyên này" - ông Trọng nói.
Nhiều bạn trẻ tìm hiểu công nghệ quản trị trong ngày hội nhân sự được tổ chức tại TP HCM
Chị Linda Nguyễn, Giám đốc nhân sự Tập đoàn TA Holdings, cho rằng ngày nay, có những phần mềm chat và gọi video hiện đại có thể kết nối mọi lúc mọi nơi, tạo ra những không gian trao đổi, làm việc mà không cần phải gặp mặt nhau. Hiện đại là thế nhưng chúng ta vẫn cần phải biết cách vận dụng ngôn từ phù hợp để tạo ảnh hưởng, truyền cảm hứng và nuôi dưỡng động lực của nhân viên. Một người quản trị nhân sự giỏi sẽ biết tận dụng công nghệ để vận hành công việc quản trị của mình tốt hơn, thuận lợi hơn và hiệu quả hơn. Qua đó thúc đẩy động lực cho nhân viên hoàn thiện bản thân và hoàn thành công việc. "Chúng ta không phải sợ công nghệ sẽ cướp đi công việc quản trị con người mà chúng ta - những người làm nhân sự - đang ngày đêm trui rèn, mài giũa. Điều chúng ta cần lưu tâm là bản thân không vận dụng được tối ưu các phương pháp quản trị con người để tạo ra thành công đột phá cho tổ chức" - chị Linda chia sẻ.
Dám chấp nhận khác biệt
Nhà nghiên cứu lãnh đạo nổi tiếng thế giới John C. Maxwell cho rằng lãnh đạo là tạo ảnh hưởng. Như vậy, người làm công tác nhân sự phải là người tạo ảnh hưởng, phải có khả năng kết nối, chạm đến trái tim để thay đổi hành vi của đội ngũ nhân sự trong đơn vị, doanh nghiệp (DN) của mình. "Để tạo ảnh hưởng lên một cá thể, một tổ chức, thậm chí cả một quốc gia, người lãnh đạo chỉ cần hỏi chính mình 3 câu hỏi lớn. Một là, đâu là kết quả cụ thể mà bạn mong muốn đạt được? Hai là, đâu là một số ít hành vi mấu chốt có thể dẫn đến những thay đổi rõ rệt? Ba là, bạn sẽ tạo động lực và khiến sự thay đổi đó xảy ra bằng cách nào?" - ông Tăng Trị Trọng chia sẻ và đưa ra một số lời khuyên giúp các chuyên gia nhân sự có thể hoàn thành tốt vai trò của mình trong kỷ nguyên số.
Bà Đoàn Anh Thư - cán bộ quản lý nhân sự một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM - cho rằng một chuyên gia nhân sự giỏi phải là người làm chủ sự thay đổi, biết thay đổi thói quen không tốt và trau dồi thói quen tốt để trở thành phiên bản tốt nhất của mình. Nhân cách đó chính là sự chính trực, đam mê, tính kỷ luật… "Một quản trị nhân sự giỏi đương nhiên phải giao tiếp giỏi. Họ thường suy nghĩ trước khi nói, viết ra giấy và đầu tư thời gian xứng đáng cho việc giao tiếp trong công việc. Khi truyền đạt, hãy nói ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, thể hiện chính kiến và truyền cảm hứng cho người nghe" - bà Thư cho biết.
Cũng theo bà Thư, chuyên gia nhân sự cũng phải giỏi về sự hợp tác, biết chấp nhận sự khác biệt và biết phát huy ưu điểm của nhân viên dưới quyền để nhân lên sức mạnh đội, nhóm. Bên cạnh đó, sự minh bạch để luôn bảo đảm nhân viên nắm bắt và hiểu rõ được những điều quan trọng trong tổ chức, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi cũng là vấn đề người làm công tác nhân sự cần lưu tâm. "Luôn tập trung tối đa hóa điểm mạnh và vô hiệu hóa điểm yếu nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh cho DN. Duy trì sự đa dạng và kết nối với tất cả mọi người trong DN để thực hiện sứ mệnh của tổ chức là nhiệm vụ không thể thiếu của các chuyên gia nhân sự" - ông Trọng lý giải.
Robot không thể thay thế con người
Theo phân tích của các chuyên gia nhân sự, robot chắc chắn có IQ cao nhưng nó không có EQ (chỉ số cảm xúc), cũng không có SQ (trí thông minh xã hội) - những chất xúc tác quan trọng để mọi quy trình được vận hành suôn sẻ và mọi mối quan hệ được vun đắp đúng cách. Do đó, dù công nghệ có phát triển bao nhiêu đi nữa, vai trò của con người là không thể thay thế.
Bình luận (0)