Để chắc chắn người lao động có đủ sức khỏe làm việc, pháp luật cho phép người lao động được nghỉ ngơi thêm sau thời gian ốm đau, bệnh tật.
Thời gian nghỉ
Điều 29 Luật BHXH năm 2014 nêu rõ: Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong 1 năm theo quy định, trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 - 10 ngày/năm.
Trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 - 10 ngày/năm
Cụ thể, tối đa 10 ngày đối với người lao động có sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; Tối đa 7 ngày đối với người lao động có sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phẫu thuật; Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Lưu ý, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Nếu thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Mức hưởng chế độ, trợ cấp
Cũng theo quy định này, người lao động nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau được trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Từ 1-1-2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ) thì mỗi ngày, người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức: 30% x 1.490.000 đồng = 447.000 đồng. Từ 1-7-2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng (theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 ) thì mỗi ngày, người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức: 30% x 1.600.000 đồng = 480.000 đồng.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và tổ chức chi trả tiền trợ cấp cho người lao động. Ảnh Hoàng Triều
Điểm 2.4, khoản 2, điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH nêu rõ, hồ sơ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ dưỡng sức sau ốm đau cho người lao động là danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe ( Mẫu 01B-HSB ) do đơn vị sử dụng lao động lập.
Đồng thời, theo điều 103 Luật BHXH hiện hành, trong 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH.
Sau đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và tổ chức chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Bình luận (0)