Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp buộc phải thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn. Sau đây là những quyền lợi của người lao động liên quan đến việc thực hiện 3 tại chỗ.
1. Người lao động thực hiện 3 tại chỗ được Công đoàn hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người
Theo hướng dẫn tại Quyết định 3089/QĐ-TLĐ thì người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện "3 tại chỗ" để sản xuất được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/NLĐ tiền ăn.
Cách thức triển khai như sau:
- Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện "3 tại chỗ" duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí.
- Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện "3 tại chỗ" duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.
2. Người lao động không thực hiện 3 tại chỗ có thể được nhận tiền lương ngừng việc và tiền hỗ trợ Covid-19 theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg
Theo hướng dẫn tại Công văn 2844/LĐTBXH-PC thì doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ", tuy nhiên có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu "3 tại chỗ" của doanh nghiệp thì người lao động và doanh nghiệp có thể thống nhất như sau:
- Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động .
- Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg .
Như vậy, khi người lao động không đồng ý với phương án "3 tại chỗ" của doanh nghiệp thì NLĐ có thể được được trả lương ngừng việc và được hỗ trợ chính sách ngừng việc theo quy định tại Quyết định 23 nếu người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận theo phương án trên. Do đó, việc người lao động được nhận lương ngừng việc và tiền hỗ trợ theo Quyết định 23 còn phụ thuộc vào sự thống nhất giữa người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài cách thỏa thuận trên người lao động và doanh nghiệp còn có thể thỏa thuận theo cách khác như:
- Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động.
3. Quyền lợi khi doanh nghiệp dừng hoạt động vì không đáp ứng được “3 tại chỗ”:
Theo hướng dẫn tại Công văn 2844/LĐTBXH-PC thì:
2. Theo quy định của địa phương, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" và "doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì phải tạm dừng sản xuất", thì:
- Với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện "3 tại chỗ" và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 để được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ."
Do đó, doanh nghiệp ngừng hoạt động vì không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ thì được xem là doanh nghiệp dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là một trong những điều kiện để người lao động làm việc tại doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.
Bình luận (0)