“Các cơ sở dạy nghề của tổ chức Công đoàn (CĐ) hầu hết được chuyển đổi, nâng cấp từ hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm nên gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giáo trình và thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, quản lý còn thiếu kinh nghiệm; giáo viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng nhưng phải cạnh tranh gay gắt với các cơ sở dạy nghề khác được đầu tư đầy đủ hơn”. Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã nêu lên thực tế này tại hội nghị về công tác dạy nghề và góp ý dự thảo Quy chế tổ chức, quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của CĐ tổ chức ngày 18-11.
Không thể đủng đỉnh mãi
Tổ chức CĐ hiện có 34 cơ sở dạy nghề gồm 3 trường cao đẳng nghề, 18 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 3 trung tâm giới thiệu việc làm. Mỗi năm, các trường đào tạo hơn 40.000 CNVC-LĐ, trong đó có 80%-85% học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị
Tháng 9-2016, tại hội nghị chủ tịch LĐLĐ các tỉnh - thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đối với công tác đào tạo nghề của tổ chức CĐ. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cơ sở dạy nghề phải phấn đấu hoàn thành tốt các chủ trương đổi mới; tiếp tục thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TLĐ về chỉ tiêu đào tạo nghề trong 3 năm (2015-2017). Cụ thể, đối với trường cao đẳng nghề, mỗi năm đào tạo 700 học viên, trung cấp nghề 500 học viên và trung tâm dạy nghề 150 học viên.
Đến hết năm 2017, nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt chỉ tiêu đào tạo của cả 3 năm và các trường trung cấp nghề không đáp ứng điều kiện về diện tích đất theo quy định thì sẽ xem xét giải thể, sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động. Ngoài ra, cơ sở dạy nghề có 2 năm không hoàn thành chỉ tiêu sẽ thay người đứng đầu. “Rất mong lãnh đạo các cơ sở đào tạo nghề lưu ý. Mình không làm được thì xin nghỉ thôi chứ không thể cứ đủng đỉnh mãi được. Chúng ta phải đổi mới toàn diện mới có thể tồn tại được trong tình hình hiện nay” - Chủ tịch Bùi Văn Cường thẳng thắn.
Đào tạo cho ra đào tạo!
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bắc Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh, đồng ý với việc phải đổi mới để tồn tại, trong đó có việc tự chủ tài chính dù đây là điều rất khó khăn. Ông Hòa cho biết năm 2015, trường thu được 27,3 tỉ đồng; trong đó thu học phí chỉ gần 4 tỉ đồng, còn 23 tỉ đồng từ hoạt động khác như đào tạo lái ô tô, đào tạo đặt hàng khác. Theo ông Hòa, để tồn tại thì phải đáp ứng nhu cầu của xã hội, mỗi trường nên có nghề “độc” là sản phẩm riêng của mình với chất lượng cao để thu hút học viên. Để tự chủ được, cần tăng học phí đi đôi với cam kết đào tạo xong học viên có việc làm với tiền lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Có như vậy thì người ta mới bỏ tiền ra học.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở thêm, đa dạng các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội; phải chủ động xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân ở các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, làm việc với các doanh nghiệp để ký hợp đồng đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, từ đó có thêm nguồn thu kinh phí trang trải cho hoạt động của cơ sở nghề.
“Chúng ta phải mở ngành nghề đào tạo theo hướng nhu cầu xã hội đang cần chứ không phải dạy những cái mà mình đang có. Phải thực sự năng động và sáng tạo. Các trường phải chủ động đi tìm học viên chứ không phải cứ ngồi đó đợi chờ học viên đến. Không cần nhiều trường nhưng trường phải ra trường, đào tạo cho ra đào tạo” - Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bình luận (0)