Theo thống kê của BHXH TP Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 10-2021, TP có khoảng 1.700 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên, số tiền nợ tương ứng khoảng 106 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở DN ngoài quốc doanh.
Khổ vì doanh nghiệp nợ BHXH
Phải ngưng việc từ tháng 5-2021, đến nay anh N.T.N - tài xế xe buýt của Công ty CP Công nghiệp Quảng An I (gọi tắt là Công ty Quảng An I) tại TP Đà Nẵng - vẫn chưa đi làm lại. Ngoài nợ lương tháng 4-2021, anh N. cho biết công ty vẫn chưa trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Không có việc làm ổn định, anh N. xin chạy xe tải nhưng không được nhận vì các công ty không nhận tài xế thời vụ. "Tôi đành phải xin làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi con. Vừa rồi, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, chờ Công ty Quảng An I giải quyết nợ đọng BHXH để tìm việc nơi khác" - anh N. ngậm ngùi.
Tài xế xe buýt Công ty CP Công nghiệp Quảng An I nhiều lần ngừng việc đòi quyền lợi BHXH
Công ty Quảng An I là đơn vị thường xuyên bị phản ánh về việc trễ lương, chậm chi trả chế độ cho người lao động (NLĐ). Trong các năm 2020, 2021, tài xế, phụ xe của tuyến xe buýt này nhiều lần lãn công đòi quyền lợi. Dịch Covid-19 khiến tuyến xe buýt phải dừng hoạt động, hàng trăm tài xế, phụ xe rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống rất khó khăn. Việc công ty chây ì nợ BHXH khiến NLĐ phải tự chi trả hoàn toàn các chi phí khám chữa bệnh.
Ngoài Công ty Quảng An I, TP Đà Nẵng còn một số DN chây ì đóng BHXH như: Công ty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà chi nhánh 5 (nợ 11,462 tỉ đồng), Công ty Cơ khí Ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng (nợ 12,089 tỉ đồng)... Ngoài ra, một số đơn vị có công ty mẹ ở nước ngoài chưa chuyển tiền về kịp thời dẫn đến nợ BHXH. Để bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ, từ đầu năm đến nay, BHXH TP Đà Nẵng đã kiểm tra 105 đơn vị sử dụng lao động, qua đó truy thu 7,75 tỉ đồng nợ BHXH.
Tăng cường hỗ trợ người lao động
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, năm 2021, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản; NLĐ không có việc làm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội. Hệ quả là số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN giảm, trong khi số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng so với trước.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH tại các DN, BHXH TP Đà Nẵng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ. BHXH TP lưu ý BHXH các quận, huyện thường xuyên bám sát đơn vị, DN để đôn đốc trích nộp kịp thời số phát sinh; công khai danh tính đơn vị nợ BHXH, BHYT trên phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng; kiên quyết lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành...
Song song với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các DN chây ì nợ BHXH, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người sử dụng lao động và NLĐ được hưởng chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 116/NQ-CP, BHXH TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc, cán bộ, viên chức tập trung ngay vào công việc kể cả ngày nghỉ, làm đêm, thực hiện việc rà soát, cập nhật chứng từ phát sinh, số người tăng hay giảm… Tính đến hết ngày 28-11, BHXH TP Đà Nẵng đã giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho 8.260 đơn vị gần 20 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho 211.990 NLĐ hơn 505 tỉ đồng.
Bình luận (0)