xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vẫn khó xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm, vì sao?

NGỌC DUNG

Một số địa phương bị "tắc" trong việc xác định hành vi vi phạm và thu thập tài liệu các đơn vị vi phạm

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy cả nước có đến 50% số lượng doanh nghiệp (DN) chưa tham gia BHXH người lao động (NLĐ). Đáng lo hơn cả là rất nhiều DN nợ bảo hiểm với số nợ lớn. Các hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về xử lý gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Bộ Luật Hình sự là cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên trong thời gian qua, vẫn có rất ít DN vi phạm bị xử lý.

Rất ít doanh nghiệp bị khởi tố

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Tính đến tháng 10-2020, các đơn vị, DN trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT, BHTN… với tổng số tiền là 21.685 tỉ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. "Với chức năng được giao, trong 2 năm thực hiện điều 214, 215, 216 của Bộ Luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nhưng vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý" - ông Đào Việt Ánh thông tin.

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tham gia tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết sau khi Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Từ tháng 9-2019, khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, điều 215 về tội gian lận BHYT và điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ Luật Hình sự có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố. Tính đến tháng 10-2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ thuộc lĩnh vực bảo hiểm, trong đó đã có 4 vụ khởi tố theo điều 214. Đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo điều 215 về tội gian lận BHYT và điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN" - đại diện BHXH Việt Nam cho biết.

Vẫn khó xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm, vì sao? - Ảnh 1.

Cán bộ LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho người lao động. Ảnh: CAO HƯỜNG

Khó xác định hành vi vi phạm

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện xử lý các vi phạm về BHXH, đại diện một số địa phương cho biết hầu hết đều bị "tắc" trong việc xác định hành vi vi phạm và thu thập tài liệu. Đó là việc cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác. Hay số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không? Đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến "đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật"… sẽ xử lý như thế nào?

Đại diện BHXH TP HCM cho rằng việc cơ quan công an yêu cầu BHXH cung cấp số liệu hồ sơ như hợp đồng lao động, bảng lương… khi tiếp nhận hồ sơ xử lý là những yêu cầu mà phía cơ quan BHXH rất khó có thể đáp ứng. Gỡ vướng trong việc xác định hành vi vi phạm, đại diện Bộ Công an cho rằng các hành vi vi phạm trong điều 216 hiện đang bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình DN, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang công an. "Hiện nay, các DN nợ đọng rất nhiều, nếu cơ quan BHXH chuyển hết thì cơ quan công an sẽ bị áp lực do nhân sự còn mỏng. Vì vậy, giải pháp ban đầu là trao đổi thông tin, phân loại từng đơn vị nợ đọng để có hình thức răn đe. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ để khởi tố" - đại diện Bộ Công an chia sẻ. 

NLĐ có thể tự khởi kiện

Khẳng định hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ, đại diện TAND Tối cao đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp này để có thể răn đe, đặc biệt cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, không chỉ cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn, mà bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng có quyền gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét khởi tố. Với quy định này, NLĐ ngoài việc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình thì có thể trực tiếp thực hiện công việc này. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu để NLĐ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, nhất là khi việc khởi kiện DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của tổ chức CĐ đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định của luật và điều kiện thực tế.

TP HCM: Nợ bảo hiểm hơn 4.300 tỉ đồng

BHXH TP HCM cho biết sẽ thanh tra đột xuất chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại 1.195 đơn vị nợ từ 6 tháng có số nợ trên 50 triệu đồng. Theo kế hoạch, các phòng chức năng của BHXH TP sẽ phối hợp với BHXH các quận, huyện gửi thông báo số tiền nợ BHXH đến 915 đơn vị chưa thực hiện đối chiếu thu, đồng thời đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra đối với 117 đơn vị đã thanh tra trong năm 2019 và 2020. Đối với những đơn vị đã đôn đốc nhưng không thực hiện thì lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 216 của Bộ Luật Hình sự.

Đặc biệt, BHXH TP sẽ thành lập các đoàn thanh tra đột xuất chuyên ngành đối với 163 đơn vị đã thực hiện đối chiếu thu nhưng vẫn tiếp tục nợ đọng BHXH. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị khắc phục hết số nợ thì sẽ tạm dừng thanh tra và sẽ thanh tra đột xuất đối với đơn vị không khắc phục. Dự kiến thời gian thực hiện thanh tra đột xuất tại đơn vị từ đầu tháng 12 đến ngày 25-12-2020.

Tính đến 31-10-2020, số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên địa bàn TP là 4.327 tỉ đồng.

M.Chi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo