Điều đáng nói là những người quyết định ra đi từng là quản lý cấp cao, gắn bó với doanh nghiệp trên 10 năm như giám đốc kinh doanh, giám đốc marketing, giám đốc đối ngoại... Họ nghỉ việc không phải vì lương hay chính sách phúc lợi mà vì... mâu thuẫn với sếp.
Doanh nghiệp A trước đây là công ty gia đình. Do ông chủ khéo lèo lái cùng sự hợp sức của toàn thể nhân viên nên doanh nghiệp ăn nên làm ra, phát triển thành một tập đoàn với nhiều công ty con. Từ khi công ty lớn mạnh, do bận nhiều việc, vị chủ tịch hội đồng quản trị giao quyền điều hành lại cho vợ mình. Từ đó, mâu thuẫn giữa sếp và những người quản lý đã phát sinh vì bà chủ chưa có kinh nghiệm nhưng lại quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, từ kinh doanh, tài chính đến nhân sự…
Chẳng có gì đáng nói nếu như bà chủ biết xử sự, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài. Đằng này, bà luôn coi nhân viên là những người làm công và một khi bà đã trả lương là có quyền sai khiến họ. Có lần, vị giám đốc kinh doanh bận việc nhà, không đến cơ quan chào cờ vào đầu tuần theo quy định. Ngay sau buổi chào cờ, bà chủ đã xông vào phòng vị giám đốc lúc anh ta đang họp với toàn thể nhân viên rồi quát: "Sao anh không chào cờ? Anh như vậy thì sao làm gương cho nhân viên mình được?"!
Lần khác, bà chủ đi thăm các phòng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp. Đến một cửa hàng nọ, không ưng ý với cách bố trí hàng hóa, bà không hề gọi người quản lý ra góp ý riêng mà quát tháo trước mặt khách hàng: "Dẹp, dẹp hết cái kiểu trưng bày như thế này. Ngày mai mà không thay đổi là tui đuổi việc tất cả". Nhiều khách hàng đang được nhân viên doanh nghiệp tư vấn về sản phẩm, thấy thái độ của bà chủ như thế liền bỏ ra về.
Nhiều người từng góp ý về cách quản lý nhưng bà chủ vẫn không hề thay đổi nên họ đành nộp đơn xin nghỉ việc. Ngay sau đó, bà chủ liền gọi giám đốc nhân sự lên giao nhiệm vụ tuyển người thay thế. Vậy mà khi giám đốc nhân sự trình kế hoạch tuyển dụng cùng chi phí cho việc tuyển người, bà ta lại phán: "Tuyển người cũng phải tốn tiền à? Vậy tôi trả lương cho anh để làm gì?". Dù vị giám đốc đã trình bày rằng muốn tuyển được vị trí cấp cao phải thông qua dịch vụ săn nhân lực và buộc trả chi phí nhưng bà ta vẫn khăng khăng: "Tôi chả biết, miễn sao anh phải kiếm ra người cho tôi mà không tốn tiền". Cuối cùng, giám đốc nhân sự bó tay và đành nộp đơn thôi việc.
Rõ ràng, nhân lực là tài sản quý của doanh nghiệp. Họ luôn mong muốn có công việc ổn định và môi trường làm việc tốt. Thế nhưng, nếu như người quản lý không hiểu và chia sẻ những khó khăn cùng nhân viên thì họ sẽ dứt áo ra đi vì không thấy mình được trọng dụng.
Bình luận (0)