Trung tâm Tiếp nhận thị thực VFS Global thuộc Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam vừa chính thức mở lại việc nhận hồ sơ xin cấp thị thực Schengen sau hơn 2 năm gián đoạn. Đây là thông tin mới nhất nối dài danh sách các quốc gia nới lỏng nhập cảnh để tạo điều kiện cho việc đi lại của người lao động (NLĐ). Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)..., Đức sẽ mở cửa để tiếp nhận người nước ngoài đến học nghề và làm việc.
Miễn cách ly nếu tiêm đủ 3 mũi vắc-xin
Trước đó, chính phủ Nhật Bản chính thức công bố nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh, du học sinh, visa gia đình nhập cảnh... (ngoại trừ khách du lịch) vào nước này kể từ đầu tháng 3 năm nay. Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng chính thức cho phép lao động từ một số nước, trong đó có Việt Nam, đến làm việc từ ngày 15-2. Hàn Quốc - thị trường được nhiều lao động Việt Nam quan tâm - cũng từng bước nới lỏng nhập cảnh, công bố tăng chỉ tiêu tuyển dụng lao động nước ngoài lên con số kỷ lục trong năm 2022 là 53.000 người.
Đối với thị trường Nhật Bản, chính phủ nước này cho biết các thủ tục nhập cảnh sẽ được tối giản, tạo điều kiện cho người nước ngoài bắt đầu công việc, học tập nhanh nhất có thể. Nhật Bản không yêu cầu người nhập cảnh phải xin và nộp bản kế hoạch hoạt động sau khi nhập cảnh mà chỉ cần nơi tiếp nhận (công ty, trường học...) nộp đơn bảo lãnh. Các thủ tục nhập cảnh được thực hiện trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh và doanh nghiệp dịch vụ. Thời gian cách ly sau khi nhập cảnh Nhật Bản cũng được giảm. Bất kể là người Nhật hay người nước ngoài, việc cách ly tại nhà có thể giảm từ 7 ngày còn 3 ngày. Về nguyên tắc là 7 ngày nhưng trong trường hợp tính đến ngày thứ 3 mà xét nghiệm cho kết quả âm tính thì sẽ không cần cách ly tiếp. Những người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin và nhập cảnh từ quốc gia được coi là không bùng dịch sẽ được miễn cách ly.
Các thực tập sinh của Công ty TNHH Nhật Huy Khang chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật Bản
Tuân thủ quy định phòng dịch
Trong năm 2021, có gần 20.000 lao động Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Cơ quan Lao động Đài Loan (MOL) đã thông báo cho phép lao động Việt Nam sang làm việc kể từ giữa tháng 2 nhằm bổ sung lượng lao động thiếu hụt.
MOL lưu ý với lao động nước ngoài, trước khi tới Đài Loan (Trung Quốc), NLĐ phải tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 và trình giấy chứng nhận tiêm chủng lên trang web của MOL.
Khi lao động nước ngoài nhập cảnh, chủ doanh nghiệp phải bố trí cho NLĐ cách ly trong khách sạn. Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly, lao động nước ngoài tiếp tục ở lại khách sạn để tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày trước khi tới nơi làm việc. Một điểm mới đáng chú ý là lao động Việt Nam trước khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc) sẽ được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm Covid-19 với thời hạn 30 ngày kể từ khi nhập cảnh và mức bồi thường bảo hiểm là 500.000 Đài tệ (khoảng hơn 400 triệu đồng).
Việc các nước và vùng lãnh thổ mở cửa đón lao động là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất khẩu lao động vốn lao đao trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, NLĐ và người thân vẫn còn lo lắng về thủ tục xuất nhập cảnh cũng như sự an toàn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Chi nhánh PITSCO tại TP HCM thuộc Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO Hải Phòng, khuyên NLĐ không nên quá lo lắng khâu thủ tục vì các doanh nghiệp dịch vụ đã lo hết. Việc còn lại của NLĐ là chuẩn bị tâm lý thoải mái, sức khỏe tốt, trang bị nhiều kiến thức để sớm hòa nhập với công việc, môi trường và cuộc sống mới.
Cảnh báo lừa đảo đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc môi giới lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới phi pháp đã chào mời, quảng bá là có thể đưa NLĐ sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E8 theo thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Các đối tượng môi giới cam kết sẽ bảo đảm các thủ tục đưa NLĐ sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền của NLĐ. Đối với NLĐ ở địa phương chưa có thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có thỏa thuận với Hàn Quốc để thu thêm tiền của NLĐ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định chương trình đưa NLĐ sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc. Do vậy, chỉ NLĐ có hộ khẩu thường trú tại những tỉnh, thành có ký thỏa thuận với các địa phương ở Hàn Quốc mới được tham gia chương trình. Đến nay, mới có 8 tỉnh, thành phố ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về chương trình này là: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam và Cà Mau.
Tại các địa phương triển khai chương trình này, Sở LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý và trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB-XH là đơn vị trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp không được tham gia thực hiện chương trình này.
Bình luận (0)