Sau dịch COVID-19, do công việc và thu nhập bấp bênh, anh T.Q.K (quận Gò Vấp, TP HCM) quyết định nghỉ việc, vay vốn thuê mặt bằng mở quán cà phê. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không thuận lợi khiến nợ nần chồng chất. Mới đây, anh K. đã rao bán sổ BHXH có hơn 8 năm đóng của mình khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đủ điều kiện về thời gian (12 tháng sau khi nghỉ việc và không tham gia tiếp BHXH) để hưởng chế độ BHXH một lần.
Ép giá người bán
Anh K. cho hay thời gian gần đây, chủ nợ đòi tiền gắt gao, anh không còn đường để xoay xở. Biết rõ bán sổ BHXH sẽ bị thiệt thòi nhưng anh K. chấp nhận bởi theo tính toán của anh, ngoài thời gian chờ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần, còn mất thêm thời gian làm thủ tục.
Nếu mọi việc thuận lợi thì sau khoảng 2 tháng anh K. mới được hưởng chế độ. Trong thời gian chờ, nếu anh vay mượn từ tín dụng đen để trả nợ thì phải trả lãi suất cao, thêm vào đó lỡ rủi ro không nhận được BHXH một lần để trả số nợ này thì phát sinh thêm phiền phức từ các đối tượng cho vay. Do vậy, đối với anh K. phương án an toàn hơn đó là bán sổ BHXH.
Hầu hết người lao động (NLĐ) bán sổ BHXH là những người đang gặp khó khăn và cần gấp một khoản tiền để chi tiêu. Trong khi đó, mua bán sổ BHXH là hành vi tự phát, không có mức giá cụ thể nên các đối tượng thu mua đã lợi dụng yếu tố này để ép giá người bán. Chị N.T.L (TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay sau khi bị cho nghỉ việc vì hết hạn hợp đồng, không tìm được việc làm ổn định do lớn tuổi nên cuộc sống khá khó khăn. Trụ được khoảng 9 tháng, chị định bán sổ BHXH với gần 3 năm đóng để có thêm khoản đóng học phí cho con học đại học. Khi liên hệ với một số đối tượng thu mua, có người ra giá 3 triệu đồng, người thì trả 6 triệu rồi lên 7 triệu đồng.
Sợ bị hớ, chị L. quyết định giữ lại sổ. Vừa qua, khi làm thủ tục rút BHXH một lần, chị nhận được 22 triệu đồng. "Ngoài bị ép giá, việc bên mua giữ lại CCCD gắn chip cũng làm tôi lo lắng. CCCD giờ đã tích hợp nhiều thông tin cá nhân, nếu họ sử dụng vào mục đích xấu sẽ gây nhiều hệ lụy cho mình. Hơn nữa, không có CCCD cũng khiến tôi khó xin việc" - chị L. giải thích.
Người lao động nên đến cơ quan BHXH để được tư vấn, hướng dẫn, tránh thiệt thòi quyền lợi
Việc trao đổi thông tin mua bán sổ BHXH hiện nay thực hiện chủ yếu qua các trang mạng xã hội. Do vậy, một số đối tượng đã lợi dụng việc NLĐ gặp khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục hưởng chế độ BHXH để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Anh C.V.N, từng là công nhân Công ty TNHH R.M.I (KCN VSIP, TP Hải Phòng), là một trong những nạn nhân của hành vi lừa đảo ấy. Khi nghỉ việc vào tháng 2-2020, anh N. đóng BHXH được 3 năm 9 tháng.
Sau 1 năm nghỉ việc, anh N. làm thủ tục hưởng BHXH một lần nhưng không được do cho người thân mượn hồ sơ xin việc nên phát sinh thời gian đóng BHXH trùng. Từ bình luận của anh N. trong một nhóm mua bán sổ BHXH trên Facebook, người phụ nữ tên là L.T.T.P (tỉnh Bắc Ninh) đã nhắn tin làm quen và cho hay có hỗ trợ xử lý sổ BHXH bị lỗi. Chi phí để giải quyết trường hợp của anh N. là 8 triệu đồng, thời gian giải quyết trong vòng 1 tháng nhưng phải đặt cọc trước 4 triệu đồng. Tin lời, anh N. chuyển khoản 4 triệu đồng nhưng đợi suốt 6 tháng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Khi anh N. đòi lại tiền thì bà P. không trả mà còn thách thức báo công an.
Kiểm soát chặt đối tượng hưởng
Theo luật sư Lê Trọng Thêm, Công ty Luật LTT & Lawyers, hành vi mua bán sổ BHXH thường diễn ra giữa cá nhân và cá nhân thông qua hoạt động ủy quyền đi nộp hồ sơ và nhận tiền BHXH một lần từ NLĐ có sổ BHXH và người mua. Việc giao kết và thực hiện việc mua bán sổ BHXH thường không lập thành văn bản và không công khai, do vậy cơ quan quản lý nhà nước rất khó phát hiện.
Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn hiện hành cũng chưa có quy định mua bán sổ BHXH là hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật để răn đe và xử lý vi phạm. Tại điểm c, khoản 2, điều 214 Bộ Luật Hình sự hiện hành có quy định về hành vi gian lận BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, để xác định hành vi thu gom, mua sổ BHXH có là gian lận BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH hay không thì cần phải có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật sư Thêm cho rằng để hạn chế hành vi thu gom, mua bán sổ BHXH, cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi của NLĐ, hướng họ đến việc hưởng lương hưu thay vì "bán lúa non" hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, khi giải quyết chế độ BHXH một lần, BHXH Việt Nam nên áp dụng biện pháp kỹ thuật là chỉ cho phép ủy quyền đối với những người hàng thừa kế thứ nhất theo Bộ Luật Dân sự của chủ sổ BHXH (gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái) hoặc cho ủy quyền khi chủ sổ thuộc một số trường hợp nhất định như ốm đau, tai nạn, thai sản...
Dưới góc độ quản lý, BHXH Việt Nam khẳng định hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính. Do vậy, vừa qua, Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động thu gom, mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH.
Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của NLĐ phải kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và đơn đề nghị, bảo đảm các thông tin thống nhất; kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền; đối chiếu bảo đảm đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần và các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần theo đúng quy định...
BHXH Việt Nam cũng cảnh báo người dân, NLĐ cần nêu cao cảnh giác để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH để tránh thiệt thòi quyền lợi. Đồng thời, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Thanh tra đột xuất đơn vị chậm đóng BHXH
Tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí quý II/2023 vào sáng 14-6, BHXH TP HCM cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM là hơn 3.956 tỉ đồng (chiếm 4,61% so kế hoạch thu). Thời gian qua, BHXH thành phố đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.209 đơn vị, qua đó ghi nhận các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng hoặc không đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền 38 tỉ đồng. Ngay tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã khắc phục số nợ là 15,5 tỉ đồng (tỉ lệ khắc phục hơn 40%)...
Nhằm hạn chế tình trạng nợ BHXH, 7 tháng cuối năm 2023, BHXH TP HCM dự kiến thực hiện 1.740 cuộc thanh tra, kiểm tra, nhất là tăng cường thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có hành vi chậm đóng, vi phạm pháp luật về BHXH.
Bình luận (0)