"Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động và làm thay đổi hầu hết mọi lĩnh vực tại các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, công nhân (CN) trong lĩnh vực tự động hóa sẽ bị dư thừa rất nhiều" - ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam quan ngại.
Công nhân đối diện nguy cơ mất việc
Nguồn nhân sự trên thị trường lao động đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ bởi tác động nhiều yếu tố trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp (DN) không muốn bị nhấn chìm trong thời công nghệ phải xem xét nhiều góc độ, đặc biệt là vấn đề nhân sự.
Thực tế ghi nhận, việc tham gia của máy móc vào sản xuất đã khiến một lượng lớn con người mất đi việc làm. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất dây truyền đều đã ứng dụng robot vào thay cho một số bộ phận công việc. Đơn cử như các nhà máy chế biến sữa hiện tại, ở các khâu đóng gói, vận chuyển hàng lưu kho đều đã do robot thực hiện. Theo tính toán của các chuyên gia, một nhà máy sữa lớn trên thế giới trước kia cần 2.400 CN để làm việc thì nay chỉ cần 140 người, số nhân sự còn lại trong nhiều công đoạn đã được thay bằng các robot.
Tương tự, có đến 24% cho biết sẽ cắt giảm nhân sự, các DN muốn thu gọn bộ máy. Đó là những ngành đã phát triển đến đỉnh và chịu nhiều sức ép của nền kinh tế như dầu khí, dược. Bên cạnh áp lực chuyển đổi ứng dụng công nghệ trong sản xuất thì DN còn bị tác động bởi sự thay đổi của hình thức kinh doanh. Ngoài mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh trực tuyến cũng đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh. Dự kiến, đến năm 2020 doanh thu trên thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam là 4 tỷ USD. Trước xu hướng đó, các DN đã và đang làm gì để chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường? Đó là câu hỏi đặt ra từng giờ cho DN mọi ngành nghề.
Song song với một vài áp lực nêu trên, vấn đề cải thiện năng suất lao động cũng được đặt ra. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (Liên hợp quốc), năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp. Năm 2016 chỉ đạt 9.900 USD/người, trong khi đó Singapore là 141.200 USD/người, Brunei 137.800 USD/người, Malaysia 56.100 USD/người, Lào 11.300 USD/người… Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và có nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Nguy cơ tăng trưởng kinh tế khó đứng vững nếu ăng suất lao động không tăng cao. Bởi vì năng suất lao động đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017.
Phải chủ động thích ứng
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, các quốc gia sẽ đối diện với một lực lượng lớn công nhân lao động bị thất nghiệp; vấn đề an ninh, an toàn cũng rất bị tổn thương. Nếu DN không muốn bị nhấn chìm trong thời của công nghệ phải xem xét lại tất cả các góc độ từ việc đầu tư, đưa công nghệ số hoá vào sản xuất và trong việc trải nghiệm với khách hàng, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Rõ ràng câu chuyện mà các chuyên gia đang lo ngại là sự tiếp nhận, thích ứng của người lao động (NLĐ) và những nhà quản lý với điều kiện môi trường mới.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thế giới di Động nêu quan điểm: "Thông thường, NLĐ chưa thấy kết quả của sự thay đổi mà chỉ thấy rủi ro. Cho nên người lãnh đạo muốn thay đổi thành công là phải loại bỏ về suy nghĩ, loại bỏ cả về con người, nên không có sự cam kết thì khó làm được. Tuy nhiên vẫn phải "liệu cơm gắp mắm", lựa chọn những điều phù hợp với DN mình để ứng dụng. Điều quan trọng là phải làm đến nơi đến chốn".
Chính phủ đang có những động thái tích cực trong việc tập trung phát triển nền kinh tế, tạo thuận lợi cho DN đầu tư hoạt động kinh doanh. Đây là giai đoạn phù hợp để DN bắt đầu chiến lược thay đổi gồm tái cấu trúc, gia tăng nhân viên, thậm trí thay đổi vị trí cấp lãnh đạo không phù hợp với tư tưởng mới. Yêu cầu đặt ra hiện nay, cả NLĐ và nhà quản lý DN đã đến lúc phải "lột xác" chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường làm việc trong tương lai với nhiều điều mới mẻ hơn bây giờ.
Để cải tổ DN thành công, cộng đồng DN phải nắm được xu hướng, tâm lý và nguyện vọng của NLĐ để có chiến lược phù hợp. Đánh giá về năng lực tương lai ở NLĐ Việt Nam, chuyên gia nhân sự cho là vẫn còn khá thấp, chỉ mới có 54% người đi làm tự tin hội đủ năng lực tương lai. Trong khi đó, các kỹ năng của người lao động theo kiểu mới đòi hỏi ở bậc cao hơn về khả năng phân tích và đưa ra quyết định. Điều này thì nhân lực Việt Nam còn thiếu. Tiếp đó, khả năng đàm phán và thuyết phục cũng không thể thiếu khi đi làm, trong công việc người đi làm làm sao đạt được sự hài hoà giữa nhu cầu của các bên mà vẫn đạt được mục tích, kỹ năng này NLĐ Việt còn yếu. Để có được các kỹ năng ấy, cần phải có sự tích luỹ qua thời gian làm việc chứ không phải qua đào tạo lý thuyết.
Bình luận (0)