Có hơn 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại tại một công ty dệt may ở quận Tân Phú, TP HCM nhưng khi nghỉ việc, bà N.T.A. (56 tuổi) chỉ được cơ quan BHXH công nhận 10 năm 3 tháng, không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí trước tuổi. Cho rằng công ty không thực hiện đúng việc tham gia BHXH, bà A. khởi kiện ra tòa.
Rắc rối từ tên gọi
Bà A. cho hay suốt quá trình làm việc tại công ty, bà làm cùng một công việc là công nhân (CN) ghi dấu may đầu cây. Trong quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do thay đổi cơ cấu nhân sự vào cuối năm 2021, công ty xác nhận thời gian làm việc của bà A. là 15 năm 4 tháng.
Khi làm thủ tục chốt sổ BHXH, do tên công việc của bà A. không đúng với quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành nên công ty phải làm thủ tục điều chỉnh tên công việc từ "CN ghi dấu may đầu cây" sang "CN vận hành máy may công nghiệp".
Tuy nhiên, bà A. chỉ được cơ quan BHXH duyệt điều chỉnh chức danh, công việc thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại từ tháng 9-2011 đến tháng 12-2021 (10 năm 3 tháng), còn thời gian từ tháng 1-2007 đến tháng 8-2011 (4 năm 8 tháng) thì không được công nhận do thiếu giấy tờ chứng minh. Vì lý do này mà bà A. không đáp ứng điều kiện có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để hưởng hưu trước tuổi quy định.
Việc thay đổi tên công việc tại các thông tư gây khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách
Theo bà A, do thời gian quá lâu nên cả bà và công ty đều làm thất lạc giấy tờ (HĐLĐ, quyết định nâng lương, quyết định phân công công tác...), nên cơ quan BHXH cho rằng không đủ căn cứ xác định làm công việc nặng nhọc, độc hại. Sau khi gửi đơn khởi kiện, dưới sự tác động của tòa án, vụ việc của bà A. đã được công ty và cơ quan BHXH phối hợp giải quyết, điều chỉnh bổ sung thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại để hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, bà A. vẫn thấy chưa thỏa mãn khi việc thay đổi chức danh, tên gọi công việc không phải lỗi của bà và công ty.
Một cán bộ nhân sự ở Công ty TNHH Thời trang S.B Sài Gòn (quận 7, TP HCM) cho biết doanh nghiệp (DN) cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến tên chức danh nghề nặng nhọc, độc hại. Theo quy định, người lao động (NLĐ) làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng chế độ ốm đau tối đa 40 ngày. Tuy nhiên, khi công ty làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho một CN vệ sinh công nghiệp thì bị cơ quan BHXH từ chối với lý do chức danh công việc của NLĐ không thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại theo quy định.
Để NLĐ được hưởng chế độ, công ty phải điều chỉnh tên chức danh công việc thành "CN vệ sinh công nghiệp trong nhà máy may". "Công ty tôi là công ty may, không phải đa ngành nghề nhưng chỉ vì thiếu 4 chữ "trong nhà máy may" mà NLĐ không được giải quyết là không hợp lý. Mặt khác, khi ban hành thông tư mới về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tên một số công việc lại bị thay đổi khiến DN gặp khó khăn trong thực hiện chế độ cho NLĐ" - đại diện Công ty TNHH Thời trang S.B Sài Gòn bức xúc.
Chưa có hướng dẫn
Tại buổi đối thoại với Sở LĐ-TB-XH TP HCM mới đây, đại diện Công ty TNHH Việt Nam Paiho (quận Bình Tân, TP HCM) cho hay đang gặp một số vướng mắc khi tổ chức thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được quy định bởi Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH (ban hành ngày 28-12-2021) của Bộ LĐ-TB-XH.
Cụ thể, khi tiến hành đánh giá, phân loại lao động theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH thì phát sinh tình huống: công việc thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại chuyển thành công việc nhẹ và xuất hiện một số công việc thuộc công việc nặng nhọc, độc hại nhưng không có tên trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH (ban hành ngày 12-11-2020).
Điều này khiến công ty lúng túng khi ký HĐLĐ với NLĐ, bởi không biết ghi tên chức danh công việc thế nào cho đúng quy định để NLĐ được hưởng chế độ phù hợp. "Trường hợp công ty lấy tên của công việc khác tương đương để tham gia BHXH cho NLĐ thì có bị xem là trục lợi BHXH không? Công ty được áp dụng ngay kết quả đánh giá, phân loại lao động hay phải chờ phê quyệt của cơ quan quản lý lao động nhà nước rồi mới thực hiện các chính sách liên quan cho NLĐ?" - đại diện Công ty TNHH Việt Nam Paiho đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc này, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH TP HCM), cho biết khi thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, DN phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại điều 9 Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH.
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc DN được áp dụng ngay kết quả đánh giá phân loại lao động, sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay phải chờ ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH; cũng chưa có hướng dẫn xử lý đối với trường hợp phát sinh công việc nặng nhọc, độc hại nằm ngoài danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB-XH ban hành.
"Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã trao đổi với Cục Việc làm về vấn đề này và đề nghị có có văn bản hướng dẫn để DN thực hiện đúng quy định. Khi có hướng dẫn, sở sẽ thông tin đến các DN" - bà Trúc cho hay.
Bình luận (0)