Nếu như năm 2013 mới chỉ có 9 thị trường tiếp nhận thì đến nay, 25 nước và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận lao động Việt Nam, bình quân mỗi năm 100.000 người. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trong việc hợp tác quốc tế ở lĩnh vực lao động, việc làm.
Tăng lương, nới lỏng điều kiện
Tăng lương cơ bản và lương tối thiểu, nới lỏng điều kiện tuyển dụng… là những động thái mới nhất mà các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam thực hiện để thu hút người lao động (NLĐ) nước ngoài đến làm việc.
Mới đây, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã thông qua việc tăng lương cơ bản cho lao động nước ngoài giúp việc gia đình. Theo đó, từ ngày 10-8, mức lương cơ bản của NLĐ làm việc tại gia đình tăng từ 17.000 lên 20.000 đài tệ/tháng (khoảng hơn 15,6 triệu đồng). Mức lương này được áp dụng đối với các trường hợp NLĐ tuyển dụng mới hoặc chuyển chủ. Đối với lao động giúp việc gia đình đã đủ 3 năm hoặc 6 năm cho cùng một chủ sử dụng, cơ quan chức năng Đài Loan đề nghị chi trả mức lương cơ bản 21.000 và 22.000 đài tệ/tháng (tương đương 16 - 17 triệu đồng) khi hai bên gia hạn hợp đồng.
Đài Loan được xem là thị trường "dễ tính" nhất với lao động phổ thông. Hàng chục ngàn lao động nghèo, lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đã được tạo công ăn việc làm ổn định.
Lao động Việt Nam được đánh giá là siêng năng, chăm chỉ và kỷ luật tốt
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tăng cường nhiều hoạt động hợp tác và nới lỏng một số chính sách nhằm thu hút lao động nước ngoài. Để bổ sung lao động khối ngành kỹ thuật vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng, Chính phủ Hàn Quốc vừa mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật (visa E7).
Các công việc như: hàn, sơn, điện, cơ khí… tuyển lao động theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc. Đây là khối ngành mà lao động Việt Nam có nhiều triển vọng khi làm việc tại Hàn Quốc những năm qua với mức thu nhập khá cao và việc làm ổn định. Chính sách mới này của Hàn Quốc mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn cho NLĐ Việt Nam vốn đã khẳng định được chỗ đứng tại xứ sở kim chi.
Tuy nhiên, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab - Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đã nhận được phản ánh về một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại quảng cáo, mời chào nhiều người nộp tiền tham gia các khóa học nghề, thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7. Do đó, Dolab khuyến cáo NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hợp đồng cung ứng lao động theo diện visa E7 được Bộ LĐ-TB-XH cấp để tránh bị lừa đảo.
Thị trường Úc, New Zealand: Nhiều tiềm năng
Bộ Nhập cư New Zealand vừa phát đi thông báo tạm thời điều chỉnh một số quy định về nhập cư nhằm thu hút thêm 12.000 lao động trong năm 2023. Bởi lẽ, các DN nước này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Các quy định được New Zealand điều chỉnh gồm: cơ chế làm việc kết hợp du lịch; nới lỏng những chính sách về tiền lương đối với người nhập cư có tay nghề cao trong các lĩnh lực chăm sóc người cao tuổi, xây dựng, cơ sở hạ tầng, chế biến thịt, hải sản và du lịch mạo hiểm. Ngoài ra, visa của một số lao động theo diện chương trình thị thực làm việc kết hợp du lịch sẽ được gia hạn 6 tháng nhằm giữ chân các lao động hiện nay ở nước này.
Tại Úc, ngày 21-8 vừa qua, Bộ Nhập cư cũng phát đi cảnh báo nước này có nguy cơ bị mất nguồn lao động có tay nghề cao sang các quốc gia khác, nếu như không cải thiện chương trình thu hút lao động nhập cư. Chính phủ Úc đang xem xét nâng giới hạn người nhập cư từ 160.000 người lên 180.000 người, trong đó 70% là lao động có kỹ năng.
Đề xuất trên nhận được sự hoan nghênh từ nhiều DN trong bối cảnh hầu hết các ngành nghề kinh tế của Úc đều đang thiếu hụt nhân công, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị phải cắt giảm thời gian hoạt động, thậm chí đóng cửa. Để hỗ trợ DN, Chính phủ Úc đã tìm kiếm giải pháp mở rộng nguồn cung lao động bằng cách nới rộng thời gian cho phép làm việc với nhóm đối tượng là du học sinh (cho phép làm không giới hạn thời gian thay vì quy định không được đi làm quá 20 giờ/tuần như trước đây), người trên 66 tuổi được làm nhiều giờ hơn và vẫn được nhận lương hưu...
Trong khi đó, với nỗ lực mở đường cho NLĐ nước ngoài đến Đức làm việc, một đạo luật đã được nước này thông qua vào năm 2020, kỳ vọng sẽ thu hút được 400.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, chỉ có khoảng 30.000 lao động nước ngoài đến Đức - thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.
Chính phủ Đức đang tìm cách cải cách đạo luật nêu trên và dự kiến công bố những nội dung chính vào tháng 9-2022. Một thay đổi được đề xuất đáng chú ý là mở cửa thị trường lao động cho những người có hợp đồng, ngay cả khi họ thiếu chứng chỉ được công nhận cho công việc. Các nhà tuyển dụng Đức sau đó có thể giúp NLĐ của họ được đào tạo kỹ năng cần thiết.
Thực tập sinh về nước khó tìm việc làm phù hợp
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam, trong đó có phần nghiên cứu về thực tập sinh (TTS) kỹ thuật Việt Nam sang Nhật làm việc và về nước.
Theo báo cáo, đến tháng 6-2021, khoảng 202.000 TTS kỹ thuật Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản, chiếm 63,8% số học viên quốc tế được đào tạo nghề tại quốc gia này. Tuy nhiên, tỉ lệ TTS Việt Nam về nước tìm được việc làm phù hợp chỉ 26,7%; còn lại đa phần sử dụng kỹ năng tiếng Nhật để bán hàng, tư vấn xuất khẩu lao động, dạy tiếng Nhật và những công việc khác để kiếm sống.
Bình luận (0)