Ông DƯƠNG VĂN QUANG, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Tìm kiếm những thị trường lao động chất lượng cao
Trong nhiều năm qua, chủ trương đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy việc làm bền vững, từng bước nâng cao đời sống của NLĐ. Chủ trương này đã đạt được những kết quả tốt đẹp khi mà số lượng NLĐ ra nước ngoài làm việc tăng nhanh hằng năm, đồng thời số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam cũng nối dài liên tục.
Với việc đẩy mạnh tìm kiếm những thị trường lao động chất lượng cao, cho thu nhập cao, việc tăng cường bảo vệ NLĐ khi họ ra nước ngoài làm việc cũng được Quốc hội cụ thể hóa trong Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được thông qua vào tháng 11-2020 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-1-2022. Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước đến công tác đưa NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Sau hơn 2 năm gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước là thị trường chủ lực tiếp nhận lao động Việt Nam phải đóng cửa biên giới để phòng chống dịch bệnh, kể từ đầu tháng 3-2022, nhiều nước, vùng lãnh thổ đã chính thức nới lỏng nhập cảnh để tạo điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Úc, Singapore... đã chính thức tiếp nhận hồ sơ cấp visa và gấp rút chuẩn bị để tiếp nhận lao động Việt Nam. Đây là tin vui không chỉ cho NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, mà các doanh nghiệp dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cũng vô cùng phấn khởi. Ngay lập tức, các hoạt động của thị trường xuất khẩu lao động rộn ràng khắp cả nước.
Tọa đàm là dịp để các doanh nghiệp cung cấp cho NLĐ những thông tin mới nhất về từng thị trường, về mức thu nhập, chi phí… cũng như những đổi mới trong việc xuất nhập cảnh, những quy định mới của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Bà LÊ THỊ MỸ HẠNH, Tổng Giám đốc Suleco: Hướng đến thị trường thu nhập cao
Suốt 2 năm 2020-2021, dù Nhật Bản đóng cửa biên giới khiến cho thực tập sinh (TTS), NLĐ Việt Nam chưa thể nhập cảnh nhưng Suleco vẫn duy trì liên tục hoạt động đào tạo trực tuyến về ngoại ngữ, văn hóa, kỹ năng mềm… cho các học viên để sẵn sàng chờ ngày xuất cảnh. Từ tháng 3-2022, khi Nhật Bản tuyên bố nới lỏng nhập cảnh, Suleco đã hoàn tất bộ hồ sơ xin cấp visa cho tất cả TTS chờ bay gửi tới Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM. Những chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này.
Suleco tin rằng hơn 600 TTS và kỹ sư mà chúng tôi sắp phái cử sẽ là nguồn nhân lực chất lượng về tư thế và tâm thế, sẵn sàng đóng góp vào lực lượng lao động của Nhật Bản trong các ngành nghề như: thực phẩm, cơ khí, xây dựng, ôtô, điều dưỡng…Đây là những ngành nghề mà trong những năm tới được đánh giá là thiếu hụt trầm trọng tại Nhật Bản.
Song song đó, với nguồn lao động chất lượng cao mà Suleco đang cung ứng, chúng tôi cũng sàng lọc kỹ lưỡng những đối tác tiếp nhận về mặt lương bổng đãi ngộ và môi trường làm việc, sao cho lao động Việt Nam nói chung và TTS của Suleco nói riêng có được nơi làm việc ổn định, có điều kiện để học hỏi và phát triển bản thân trong 3 năm tại Nhật và dài hạn sau này. Thu nhập trung bình chúng tôi bảo đảm cho NLĐ hằng tháng là khoảng 28-40 triệu đồng, tùy ngành nghề.
Phương châm của Suleco là tuyển chọn và đào tạo thanh niên Việt Nam thành những NLĐ có tay nghề, kỹ năng, trình độ nghiệp vụ tốt để làm việc hiệu quả ở những thị trường quốc tế đòi hỏi cao và sẵn sàng trả lương cao. Do đó, ngoài thị trường Nhật Bản, Suleco cũng từng đưa NLĐ đi làm việc tại châu Âu và châu Mỹ.
Ông ĐINH THANH BÌNH, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh: Nhiều lựa chọn cho NLĐ
Một cơ hội lớn cho NLĐ trong năm 2022 với mức thu nhập "khủng". Đó là thị trường Úc theo diện visa 462. Điều kiện quan trọng nhất để đi Úc theo diện này là NLĐ phải có trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 trở lên. Công ty Mai Linh sẽ hỗ trợ xin visa 462 để NLĐ đủ điều kiện sang Úc làm việc.
Về chi phí, mỗi công ty có đặc thù khác nhau. Riêng Công ty Mai Linh, chi phí là từ 80-200 triệu đồng trở lại, bao gồm cả vé máy bay và phí xin visa. Với lao động nữ , công việc chính thường là: trồng cây, trồng rau củ quả, thu hoạch trái cây, đóng gói rau củ quả, đóng gói bằng tay trong môi trường nhà máy sản xuất... Đối với lao động nam, việc lựa chọn ngành nghề dễ hơn, như các công việc bảo trì, kỹ năng nghiệp vụ khách sạn, kỹ thuật viên nông nghiệp, công nhân nhà máy thủy sản có kỹ năng phi lê cá, công nhân nhà máy chế biến thịt có kỹ năng đóng gói. Lương trung bình là từ 60-80 triệu đồng/tháng. Phí sinh hoạt ở Tây Úc dao động từ 170 đến 200 đô la Úc mỗi tuần.
Ông LÊ LONG SƠN, Tổng Giám đốc Esuhai Group: Nền tảng khởi nghiệp
Khi con em mình có định hướng ra nước ngoài làm việc để học hỏi và trải nghiệm là tín hiệu tốt. Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều người chọn cách đi làm công nhân, làm công việc tự do khi chưa có tay nghề nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề tài chính. Điều này sẽ là tổn thất lớn nhất cho cả bản thân NLĐ và cả xã hội.
Có một con đường đáp ứng được 2 yêu cầu: Vừa làm có tiền vừa có được có hội học tập rất tốt, đó là ra nước ngoài làm việc. Cụ thể ở đây là sang Nhật Bản làm TTS kỹ năng. Khi học xong THPT, nếu thấy không đủ khả năng học lên cao, các bạn nên dành ra 6 tháng đến 1 năm để học tiếng Nhật. Sau đó, các bạn sang Nhật làm TTS kỹ năng trong 3 hoặc 5 năm. Khi hoàn thành hợp đồng trở về, các bạn có thể có trong tay từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Quan trọng hơn cả là các bạn có trong tay kiến thức, kỹ năng kỹ thuật sau nhiều năm làm việc với người Nhật, trong môi trường Nhật. Trình độ tiếng Nhật cũng nâng cao, có thể đạt mức N2, N1. Đó là nền tảng rất tốt để quay về khởi nghiệp hoặc tiếp tục đi làm, phát triển sự nghiệp trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay, nhiều người sau 30 tuổi phải nghỉ việc vì công việc không ổn định, thu nhập thấp và đây là gánh nặng cho gia đình lẫn xã hội. Trong khi đó, lúc các bạn TTS trở về thì mới khoảng 25-26 tuổi nhưng có sẵn trong tay tiền, trình độ tay nghề được cọ xát ở nước ngoài - nghĩa là trước ngưỡng tuổi 30, thời điểm quan trọng nhất cho hành trình công việc và cuộc sống của mỗi người trưởng thành.
Esuhai rất vui được đồng hành cùng Báo Người Lao Động trong việc cung cấp cho NLĐ những thông tin mới nhất về từng thị trường, về mức thu nhập, chi phí… cũng như những quy định mới của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Ông NGUYỄN DU, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET): Hướng nghiệp rõ ràng
Có thể nói, nhận thức của đông đảo phụ huynh đã thay đổi theo thời gian. Trước đây, việc tuyển sinh trong các trường cao đẳng nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực hiện tương đối khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ việc các bậc phụ huynh mong muốn con em mình học đại học mà ít chú ý đến việc làm sau đào tạo. Hiện nay đã khác, nhiều phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên có một quá trình hướng nghiệp rõ ràng hơn, thực tế hơn. Đó là có việc làm hay không sau khi đào tạo và nhận bằng tốt nghiệp.
IET đang thực hiện sứ mệnh bảo đảm việc làm sau đào tạo tại Đức cho học sinh và sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Chúng tôi còn bảo đảm việc làm trong suốt quá trình học viên được đào tạo tại Đức. Ngay khi tốt nghiệp, tất cả học viên được nhà tuyển dụng tại nước sở tại tiếp nhận và ký hợp đồng làm việc với mức lương khởi điểm trung bình 3.000 euro.
Trong những năm qua, Chính phủ Đức thông qua GIZ đã tích cực hỗ trợ các trường cao đẳng nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo theo mô hình kép của Đức. Chúng tôi tin rằng hệ thống các trường cao đẳng nghề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tuyển sinh nhờ bảo đảm việc làm cho học sinh, sinh viên trong suốt quá trình đào tạo và sau tốt nghiệp. Những học viên của chương trình này sẽ đủ tiêu chuẩn sang Đức làm việc sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam.
Thông qua Báo Người Lao Động, chúng tôi hy vọng các bậc phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên có một quá trình hướng nghiệp rõ ràng hơn, thực tế hơn, vì một tương lai bền vững.
N.Giang - V.Tùng