“Đọc xong đơn khiếu nại của công nhân (CN), mấy ngày nay, tôi buồn đến mất ăn mất ngủ. Hơn 8 năm hoạt động, công ty chưa lần nào xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể. Ngoài việc luôn có mẫu kiến nghị và thùng thư góp ý đặt tại xưởng để CN đề đạt ý kiến, cửa phòng tôi luôn rộng mở để đón tiếp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ. Không hiểu sao CN không gửi khiếu nại cho tôi mà lại gửi đến báo?”. Bà N.T.K.S - giám đốc một công ty may đóng tại TP Tân An, tỉnh Long An - phân trần như vậy khi nhận được đơn khiếu nại của một số CN do Báo Người Lao Động chuyển đến.
Thông tin bị “nghẽn” ở cấp trung gian
Trả lời câu hỏi của giám đốc, anh B., một CN trong số những người gửi đơn, lý giải: “Giám đốc nói thế thôi chứ bà ấy ở văn phòng, chúng tôi ở dưới xưởng, muốn gặp giám đốc đâu phải dễ? Hơn nữa, quản đốc xưởng chúng tôi là ông Sơn, cũng là chồng của giám đốc. Mỗi lần chúng tôi có ý kiến hoặc thắc mắc, dù đúng hay sai cũng đều bị ông ấy quát tháo, sau đó gây khó dễ. Như vậy thử hỏi còn ai dám có ý kiến?”.
Theo CN, nếu gửi kiến nghị thông qua thùng thư, ngoài việc buộc phải ghi họ tên cụ thể khiến họ e ngại “bị để ý”, số đơn này sẽ do phòng nhân sự xử lý chứ không đến được tay giám đốc. Hơn nữa, đa phần bức xúc, kiến nghị hiếm khi có được câu trả lời thỏa đáng nên dần dần CN không còn tin và thùng thư kiến nghị trở nên vô dụng từ nhiều năm nay.
Trong đơn khiếu nại gửi đến báo, CN bức xúc nhiều vấn đề: Phải tăng ca hơn 50 giờ/tháng, làm thêm ngày chủ nhật không được tính tiền chênh lệch, chỉ được sử dụng ngày phép vào những hôm công ty không có hàng, Công đoàn không hoạt động… Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.K.S thừa nhận phản ánh của CN là đúng và hứa sẽ sớm khắc phục.
Trong khi đó, ở Công ty TNHH N.B (quận 12, TP HCM), CN muốn đề đạt ý kiến lên giám đốc (người Hàn Quốc) thì buộc phải thông qua ông Thanh, chủ quản kiêm thông dịch, do giám đốc không biết tiếng Việt còn CN không nói được tiếng Hàn. Vì vậy, mới đây, dù rất bức xúc khi bị ông Thanh thù vặt, kiếm cớ liên tục điều chuyển làm công việc trái với thỏa thuận trong hợp đồng nhưng CN không biết trình bày với giám đốc bằng cách nào. Họ đành phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Lãnh hậu quả vì phó mặc cho cấp dưới
Cách đây không lâu, Công ty TNHH S.M (quận 1, TP HCM) không những bị người lao động kiện ra tòa mà còn bị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM xử phạt hành chính vì làm thất lạc sổ BHXH của nhân viên. Chị Cúc Loan, người đứng đơn khởi kiện, cho biết: “Suốt 2 năm làm việc tại công ty, tôi và nhiều đồng nghiệp không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH nhưng vì cần việc làm nên không ai dám lên tiếng, sợ bị trù dập hoặc mất việc”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh, trợ lý giám đốc, cho biết: Toàn bộ việc quản lý nhân sự, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, công ty giao phó cho một nhân viên phụ trách mà không giám sát, kiểm tra nên không biết có tình trạng người lao động không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. Chỉ khi nhân viên này đột ngột nghỉ việc, ôm theo toàn bộ dữ liệu, hồ sơ về nhân sự, công ty mới vỡ lẽ.
Còn Công ty TNHH SJ Globol (quận 12) hoạt động từ đầu tháng 8-2014 với hơn 100 CN nhưng đến nay, số CN đã giảm nhiều và không ổn định. CN tên Hằng cho hay: “Ở công ty, CN ra vô liên tục, chẳng ai trụ được lâu dài vì ông Kim Young Wan, quản lý người Hàn Quốc, quá ngang ngược và thô bạo. Ngoài những lời nhục mạ, mắng nhiếc thậm tệ, ông Kim còn sẵn sàng hành hung, đuổi việc CN khi họ làm phật ý ông”.
Công nhân bức xúc, giám đốc chẳng hay!
Mới đây, bức xúc trước việc thay đổi cách tính lương, bữa ăn kém chất lượng, tăng ca quá nhiều, đặc biệt là cách hành xử hà khắc, khiếm nhã của một số quản lý, gần 1.000 CN Công ty TNHH May Top One (quận Gò Vấp, TP HCM) đã ngừng việc để phản đối. Ngay khi sự việc xảy ra, giám đốc công ty đã đích thân xuống xin lỗi CN và cho rằng không biết gì về những vấn đề CN bức xúc. Sau đó, dù giám đốc hứa giữ nguyên cách tính lương cũ, kiến nghị bên cung cấp cải thiện chất lượng bữa ăn, điều chỉnh giờ tăng ca nhưng CN vẫn tiếp tục ngừng việc. Chỉ khi giám đốc chấp nhận thay đổi chuyên gia quản lý (người nước ngoài), CN mới đồng ý trở lại làm việc.
Bình luận (0)