Tốt nghiệp đại học năm 1991, kỹ sư Võ Thanh Cường về công tác tại Công ty Truyền tải điện 4. Có thể nói, 25 năm công tác tại đây là cả một chặng đường dài phấn đấu bền bỉ, nỗ lực hết mình trong hoạt động lao động, sáng tạo của anh để vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp.
Gặp khó khăn, không nản
Vừa là đồng nghiệp vừa là đàn anh trong nghề, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Truyền tải điện 4, cho biết khi Võ Thanh Cường về công ty thì ông đã công tác hơn 15 năm. Trong số những kỹ sư trẻ về thực tập lúc đó, ban giám đốc ấn tượng hơn cả với Cường bởi chàng trai này rất xông xáo, không ngại khó, ngại khổ để nắm bắt công nghệ và tiếp cận công việc một cách nhanh nhất.
Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, lại chịu khó lăn lộn khắp các công trình, dự án đã giúp anh Cường sớm trở thành trụ cột của đơn vị, nhất là trong phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo. Hàng chục năm qua, mỗi năm, anh đều đặn cho ra đời từ 1 đến 2 sáng kiến, cải tiến. Đặc thù của đơn vị là đầu tư lắp đặt, thi công các công trình phục vụ lưới điện, viễn thông cũng như bảo đảm quản lý, vận hành lưới điện khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Do vậy, anh Cường thường xuyên gặp phải nhiều “ca” khó. Thế nhưng, anh luôn coi đó là cơ hội để thử thách năng lực bản thân.
Năm 2013, do yêu cầu phải nâng cấp 2 máy biến áp (MBA) ở trạm biến áp Phú Lâm (một phần trong hệ thống đường dây 500 KV Bắc - Nam), anh Cường và đồng nghiệp được giao nhiệm vụ phải thay thế các máy 450 MVA bằng các máy công suất 900 MVA mà không cắt điện quá lâu, bảo đảm độ tin cậy của cả lưới. Trạm Phú Lâm là trạm cũ nên diện tích hẹp, không được tính toán sẵn cho các MBA mới nặng hàng trăm tấn. Với cách làm trước đây thì phải ngắt điện và dỡ bỏ các MBA cũ, xây móng để đặt MBA mới lên. Tuy nhiên, cách này phải ngắt điện 1 trong 2 MBA cũ trong 4-5 tháng, đồng nghĩa với việc giảm phân nửa công suất trạm.
“Phương án này sẽ tạo áp lực căng thẳng lên toàn lưới điện phía Nam, giảm độ tin cậy của lưới. Nếu xảy ra thêm sự cố nào trong lúc đó thì hậu quả rất nghiêm trọng, chưa kể phải tăng công suất các nhà máy nhiệt điện phía Nam, rất tốn kém” - anh kể.
Qua nghiên cứu thực địa, anh mạnh dạn đề xuất phương án di dời một kháng bù cũ (không sử dụng nữa) trong trạm Phú Lâm để lấy diện tích xây móng và lắp đặt MBA mới. Sau khi lắp đặt xong sẽ thực hiện đấu nối lưới điện qua máy mới. Kết quả thành công như mong đợi, thay vì phải cắt điện 1 MBA 4-5 tháng thì trạm chỉ ngắt điện để đấu nối trong hơn 4 ngày.
Cường cho biết đặc thù công việc đòi hỏi anh và đồng nghiệp phải động não liên tục, có như vậy mới tìm ra được các giải pháp khả thi nhất để giải quyết. “Bản lĩnh, kinh nghiệm và tinh thần dấn thân của người thợ trong những thời điểm ấy đóng vai trò hết sức quan trọng. Tôi luôn dặn mình không được nản lòng để có thể đi đến đích” - anh bày tỏ.
Khi thi công các đường dây điện cũng như cáp quang viễn thông, công nghệ thông tin, một vấn đề đặt ra là phải làm sao giảm thiểu thời gian cắt điện hay gián đoạn đường truyền tín hiệu viễn thông. Anh Cường đưa ra giải pháp đấu nối tạm dựa trên vật tư có sẵn hay mượn các đường dây hiện hữu để bảo đảm không bị gián đoạn trong quá trình thi công. Chỉ riêng sáng kiến trong dự án “Chuyển đấu nối vận hành tuyến cáp quang Cai Lậy - Trà Nóc sang vận hành theo tuyến Trà Nóc - NMNĐ Ô Môn - Trạm 500 KV Ô Môn Trụ 98 (đường dây 500 KV Ô Môn - Nhà Bè) - Cai Lậy”, giá trị làm lợi đã tương đương 256 tỉ đồng/tháng.
Có dân ủng hộ, chuyện khó thành dễ
Trước đây là trưởng phòng kỹ thuật rồi nay là phòng đầu tư xây dựng, quá trình công tác của anh Võ Thanh Cường là những chuyến đi, nay đây mai đó bám theo đường dây. “Lễ, Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp bên người thân thì mình lại vác ba-lô đi công tác. Dịp này, các nhà máy, khu công nghiệp đều nghỉ. Do vậy, anh em phải tranh thủ thi công để tránh ảnh hưởng đến sản xuất” - anh cho biết.
Ngoài các tỉnh, thành phía Nam, trước đây, Công ty Truyền tải điện 4 còn phụ trách địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và nơi nào cũng đều in dấu chân anh Cường. Thi công ở miền Tây thì chuyện lội sông, lội ruộng bị đỉa cắn đến tướm máu xảy ra như cơm bữa. Ở Tây Nguyên, khi thi công những cột điện nằm trên đồi cao, lắm lúc anh em bị vắt cắn chảy máu mấy ngày không hết. Khó khăn, vất vả là vậy song anh luôn tràn đầy tinh thần lạc quan. “Mỗi chuyến đi dù cực nhưng vui. Công tác thi công lưới điện cũng đòi hỏi kỹ sư, công nhân có khả năng dân vận. Sống gần gũi và được dân ủng hộ, việc khó cũng thành dễ” - Cường bộc bạch.
Không chỉ là đầu tàu sáng kiến ở đơn vị, anh Cường còn thuyết phục đồng nghiệp trẻ ở lối sống hòa đồng, luôn sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm cho lớp thợ đàn em.
Ông Nguyễn Văn Lâm nhớ lại: “Khi tham gia xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam, nhân lực tại chỗ ở các vùng sâu rất hiếm, trình độ lớp 9 đã khó kiếm chứ chưa nói đến thợ có tay nghề. Vậy là đường dây đến đâu, Cường nghiên cứu quy trình vận hành và chuyển giao lại cho anh em tại chỗ. Cái hay của Cường là truyền đạt kiến thức lẫn kỹ năng nghề cho anh em kỹ sư, công nhân ngay trên công trường. Nhiều người trong số đó giờ đã thạo nghề và thành công”.
Bình luận (0)