Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Úc về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ, dự kiến triển khai từ ngày 1-7.
Mỗi năm, trao đổi 200 ứng viên
Bản thỏa thuận về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được đại diện Chính phủ Việt Nam và Úc ký kết ngày 18-3-2015. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, chương trình tạo điều kiện cho công dân 2 nước nhập cảnh tham quan, du lịch kết hợp lao động. Mỗi năm, 2 nước trao đổi 200 ứng viên. Công dân Úc nhập cảnh Việt Nam theo chương trình phải đăng ký với Bộ LĐ-TB-XH. Trên cơ sở giới thiệu của bộ này, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xét duyệt hồ sơ, thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam tại Úc cấp thị thực. Công dân, lao động Việt Nam (sau đây gọi chung là ứng viên) nhập cảnh Úc cũng phải thực hiện theo quy trình như trên tại các cơ quan thẩm quyền của Úc.
“Ứng viên tham gia chương trình có điều kiện học tập kinh nghiệm, cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ trong thời gian cư trú tại Úc. Sau khi về nước, họ có thể vận dụng kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy được vào hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với chất lượng và hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định. Việc hợp tác với Úc là tiền đề để Việt Nam tiến tới ký kết thỏa thuận tương tự, trao đổi lao động với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Ai sẽ được chọn?
Ứng viên tham gia chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được cấp thị thực vào Úc theo visa 417 - loại visa tạm trú thời hạn tối đa 12 tháng. Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH, ứng viên được phép sử dụng thị thực này để xuất cảnh và nhập cảnh Úc nhiều lần trong thời gian lưu trú nói trên. Tuy nhiên, ứng viên không được làm những công việc trái với mục đích nhập cảnh, không được làm việc cho một chủ sử dụng lao động quá 6 tháng và không được tham gia khóa học tập hoặc đào tạo quá 4 tháng.
Để được xét hồ sơ và cấp thị thực, ứng viên phải đáp ứng một số điều kiện về sức khỏe, tài chính, trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, nhân thân và bắt buộc phải thông qua giới thiệu của Bộ LĐ-TB-XH. Cụ thể, ứng viên phải nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30; bảo đảm tài chính để trang trải cho các chi phí trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Úc (khoảng 5.000 AUD); có khả năng mua vé máy bay về nước khi kết thúc kỳ nghỉ lần 1 hoặc lần 2. Ứng viên có thể đi cùng chồng hoặc vợ (xin cấp thị thực riêng) nhưng không được đưa con cái sang Úc ở cùng trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Úc.
Bộ LĐ-TB-XH đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký hồ sơ; thông tin về chi phí, tiêu chuẩn xét chọn… Về chi phí, theo quy định hiện hành đối với visa 417, ứng viên phải chi trả chi phí vé máy bay, lệ phí visa 420 AUD, chi phí khám sức khỏe 150 AUD, bảo hiểm y tế 115 AUD/tháng.
Cân nhắc trước khi đăng ký
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cung ứng lao động và Dịch vụ xây dựng thủy lợi (Hycolasec), cho biết thu nhập ở Úc khá cao. Hiện lao động do công ty đưa sang Úc làm việc theo visa 457 (dành cho lao động có tay nghề) là 54.000 AUD/năm (tuần làm việc 38 giờ). Do tính chất làm việc theo giờ, theo ca, bán thời gian nên có thể thu nhập của ứng viên diện visa 417 thấp hơn nhưng mức tính sẽ căn cứ theo số giờ làm việc thực tế. Ngoài ra, ứng viên cũng sẽ được hưởng lương hưu theo quy định với mức 9,5%/tháng.
Dù thu nhập cao nhưng theo một số chuyên gia, ứng viên cần cân nhắc kỹ về những bất tiện, rủi ro có thể xảy ra do thời hạn làm việc theo visa cấp lần 1 ngắn, công việc dành riêng cho các khu vực thưa dân cư, thuộc các ngành nghề như trồng trọt và chăn nuôi, đánh cá và ngọc trai, trồng cây lấy gỗ, khai mỏ, xây dựng.
Bình luận (0)