Đọc bài báo “Kính gởi đồng chí bí thư thành ủy...”, tôi sực nhớ ra chuyện cách đây đã nhiều năm. Hồi đó (chắc khoảng năm 1997) trên Báo Người Lao Động có một mẫu tin nhỏ viết về việc Công ty P.H (trụ sở ở quận 1, nhà xưởng đặt tại quận Tân Bình, TP HCM) bắt công nhân tăng ca 1.000 giờ mỗi năm.
Tin đăng hôm trước thì hai hôm sau có tin “Thủ tướng chỉ đạo thanh tra Công ty P.H về việc thực hiện pháp luật lao động”. Chỉ một ngày sau, Sở LĐ-TB-XH TP lập đoàn thanh tra Công ty P. H với đầy đủ thành phần như Sở LĐ-TB-XH, LĐLĐ TP, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Bảo hiểm xã hội... do bà Nguyễn Kim Lý, phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP làm trưởng đoàn. Giờ nhớ lại, vẫn còn phấn khích: “Sao hồi đó người ta làm rốt rẻng vậy?”.
Việc thanh tra tiến hành khẩn trương tại xưởng sản xuất ở quận Tân Bình. Từng thành viên của đoàn tiếp xúc trực tiếp với công nhân để nghe họ trình bày. Trong đoàn có một nhà báo cũng được tạo điều kiện tối đa để gặp gỡ, trao đổi với công nhân.
Làm việc đến trưa, đoàn họp lại với ban giám đốc để đưa ra ý kiến và nghe phản hồi. Khi đó, ông giám đốc tên T. phát biểu 3 vấn đề. Thứ nhất ông nói rằng sau khi báo thông tin, cha ruột của ông (nguyên là thứ trưởng bộ Thương mại lúc đó) đọc thấy và đã ngã bệnh, vẫn còn đang cấp cứu ở Bệnh viện Thống Nhất khiến ông hối hận vô cùng. Thứ hai, ông thừa nhận tất cả sai phạm trong việc bắt công nhân làm việc quá sức. Thứ ba, ông xin lỗi nhà báo đi cùng đoàn vì thái độ chưa chuẩn mực khi tiếp xúc để trao đổi về khiếu nại của công nhân trước đó.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở một khu phố dành cho cán bộ lãnh đạo. Ngay từ nhỏ, tôi chỉ quen nghe những lời khen. Thế mà hôm rồi nghe chị phóng viên nói rằng tôi đã làm sai, chuyện đó khiến tôi bị sốc và không thể chấp nhận ngay được nên có những lời lẽ không đúng. Tôi thật sự xin lỗi và cám ơn những lời nói thẳng của báo chí cùng sự nghiêm khắc của cơ quan chức năng”- ông T. thành khẩn nói.
Sai thì bị phạt nhưng điều quan trọng rút ra từ vụ đó là sự nhìn nhận và sửa sai của lãnh đạo doanh nghiệp. P.H sau này góp vốn với một đối tác Singgapore thành lập Công ty Liên doanh V.H ở quận 12, TP HCM. Những ngày đầu, vẫn có những khúc mắc trong quan hệ lao động, cũng đã nổ ra vài cuộc ngừng việc tập thể. Thế nhưng dần dần mọi thứ đã đổi thay. V.H bây giờ là một trong những doanh nghiệp chăm lo rất tốt cho người lao động, làm tốt trách nhiệm xã hội, 10 năm qua không hề xảy ra tranh chấp...
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng sự phản ứng nhanh nhạy của cơ quan chức năng, sự phối hợp nhịp nhàng với báo chí và cái tâm “hướng thiện” của chủ doanh nghiệp là điều kiện rất quan trọng để pháp luật được tuân thủ, quyền lợi người lao động được bảo vệ, quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp sẽ ổn định để phát triển.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, vì lý do này khác mà việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp chưa hoàn toàn tự giác thì vai trò kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan quản lý lao động là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Nếu buông lỏng quản lý, cũng có nghĩa là buông lỏng vũ khí, dung dưỡng sai phạm, làm cho quan hệ lao động bất ổn. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý lao động chứ không phải ai khác.
Về phía doanh nghiệp, lần sau tôi sẽ kể câu chuyện về sự “biến mất” của một tên tuổi đình đám, một thời thống lĩnh ngành quảng cáo của cả nước. Nguyên nhân cũng bởi giám đốc doanh nghiệp xem thường luật pháp, xâm phạm quyền lợi người lao động, lúc nào cũng “vỗ ngực xưng tên và coi trời bằng vung”.
Bình luận (0)