Đại diện người lao động (NLĐ) cho biết, họ đã phải nộp cho ông Trung số tiền nhiều tỉ đồng nhưng sau đó ông này đã "lặn" mất tăm khiến họ mất tiền, lâm cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống gần như đang không lối thoát.
Trắng tay vì bị lừa
Ngày 12-12, là một trong 20 người ký đơn tập thể "kêu cứu" về việc bị lừa đảo, chị Đậu Thị Hiền (SN 1986, trú xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bức xúc, qua môi giới, cuối năm 2015, chị trực tiếp đến Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội (địa chỉ: Khu biệt thự 12BT4x2 Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gặp ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội - để đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản. Sau thời gian học tiếng, công ty thông báo chuẩn bị bay nên chị đã cố gắng vay mượn để nộp tổng số tiền hơn 270 triệu đồng vào Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội.
20 học viên khi đang còn học tiếng do Cty CP Hữu Nghị đào tạo để đi XKLĐ sang Nhật nhưng rồi không đi được mà tiền cũng không được trả lại. Ảnh: nạn nhân cung cấp
Chị Hiền cho biết: "Sau khi nộp tiền mãi công ty vẫn không có thông báo hoặc động thái để đưa đi XKLĐ sang Nhật nên sau một thời gian chờ đợi trong vô vọng, tôi và nhiều học viên khác quyết định đến công ty xin rút lại tiền thì ngỡ ngàng khi phát hiện công ty đã thay đổi địa chỉ, gọi điện thì số máy của lãnh đạo công ty đã không thể liên lạc".
Nhận thấy công ty có dấu hiệu lừa đảo, nên cuối năm 2016, 20 học viên đã ký đơn tập thể "kêu cứu" và gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của lãnh đạo Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội đến Công an quận Hoàng Mai. Thế nhưng, đến nay, sau hơn một năm tố cáo, các học viên vẫn chưa nhận được thông báo về vụ việc và cũng chưa nhận lại được đồng nào từ khoản tiền lớn mà họ bị lừa đảo.
Lâm cảnh khốn cùng
"Để có số tiền lớn nộp cho Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội, vợ chồng tôi đã mượn sổ đỏ của bố mẹ, anh chị thế chấp vay ngân hàng. Thế nhưng sau khi bị lừa, không có tiền trả lãi, cuộc sống của gia đình tôi đã lâm cảnh khốn cùng, tình cảm vợ chồng cũng bị lung lay, rạn nứt. Hiện mỗi tháng chúng tôi phải trả hơn 3 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Do còn phải nuôi 2 con nhỏ nên vợ chồng phải xin đi làm công nhân để có tiền mà trang trải. Không biết bao giờ chúng tôi mới lấy lại được tiền. Nếu không lấy được thì sợ cả đời chắt bóp cũng không thể trả hết nợ" - chị Hiền bức xúc, nghẹn ngào nói.
Đơn kêu cứu tập thể về việc bị Công ty CP Hữu Nghị lừa đảo. Ảnh: P.V
Anh Lê Viết Hữu (33 tuổi, trú khối 3, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cũng là nạn nhân bị lừa như chị Hiền, bức xúc cho biết, do chờ đợi mãi không được đi XKLĐ và lấy lại được tiền từ Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội, trong khi đó áp lực nợ nần quá lớn nên anh đã liều vay thêm để đi lao động tại Đài Loan từ mấy tháng nay. Hiện anh đang phải "cày ngày, cày đêm" nơi xứ người để trả nợ khiến người như kiệt sức. Một trường hợp khác là anh Mai Văn Việt (24 tuổi, trú xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, anh đã nộp hơn 250 triệu đồng cho Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội để đi XKLĐ sang Nhật Bản, nhưng không thể đi được, tiền cũng không đòi lại được. Anh Việt rất bức xúc: "Tiền tôi vay ngân hàng để nộp cho công ty, nhưng rồi bị lừa không đi làm được, cũng không lấy lại được nên không có mà trả lãi ngân hàng nên rất khốn khổ". Hiện anh Việt cũng đang phải đi làm thuê để kiếm tiền trả lãi ngân hàng.
Theo đơn "kêu cứu" tập thể, chỉ riêng tại tỉnh Hà Tĩnh đã có 11/20 học viên nộp tiền cho Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội để được đi XKLĐ sang Nhật nhưng rồi bị lừa đảo, không lấy lại được tiền. Cũng theo phản ánh của NLĐ, Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội không có giấy phép XKLĐ của Bộ LĐ-TB-XH. Thêm nữa, năm 2013, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang đã xử phạt ông Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1982, trú xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội 40 triệu đồng về hành vi tổ chức, đào tạo, đưa người đi XKLĐ trái phép tại tỉnh Bắc Giang. Mà ông Trung chính là Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh Hà Nội đang bị 20 học viên tố cáo lừa đảo.
Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1982, trú tại Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Và đối tượng Trung đang bị cơ quan công an truy nã.
Hiện những người tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nộp tiền vào Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh Hà Nội đang lâm cảnh khốn cùng, uất ức và đang rất nóng lòng chờ cơ quan Công an sớm điều tra làm rõ, để buộc đối tượng lừa đảo trả lại tiền, đồng thời pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh đối tượng lừa đảo.
Nên chọn doanh nghiệp có uy tín
Trao đổi với phóng viên , Giám đốc một công ty có giấy phép đưa người đi XKLĐ tại Nhật Bản cảnh báo, hiện nay có nhiều đối tượng, bằng những lời hứa hão, đánh trúng vào tâm lý của những người có nhu cầu ra nước ngoài lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, sau đó "lặn mất tăm"! Đã có nhiều người trúng bẫy và ôm cục nợ lớn. Vị giám đốc này khuyến cáo: Khi NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài lao động, trong đó có thị trường Nhật Bản thì cần tìm đến những doanh nghiệp (DN) uy tín, có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB-XH cấp; được phép đưa người sang Nhật Bản để làm việc. Đối với thị trường Nhật Bản, theo quy định, sau khi chủ sử dụng lao động sang tuyển chọn NLĐ, NLĐ được tuyển sẽ được học tiếng Nhật, đào tạo nâng cao tay nghề trong thời gian từ 4-6 tháng. Do đó, nếu DN nào không thực hiện được những điều trên thì NLĐ cần cân nhắc kỹ, trước khi nộp tiền, kẻo "tiền mất, tật mang".
Bình luận (0)