Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài 10 tháng đầu năm nay là 106.127 người.
Trong số này có gần 41.000 lao động nữ. Trong đó, thị trường Đài Loan vẫn giữ vị trí dẫn đầu về số lượng xuất khẩu lao động (XKLĐ) với trên 68.000 người. Sau đó là Nhật Bản (khoảng 40.000 lao động); Hàn Quốc (gần 8.500 lao động). Ngoài ra, một số thị trường khác cũng thu hút nhiều lao động như: Malaysia, Ả-rập Xê-út, Angieri, Qatar... Riêng với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh lớn nhất trong 15 quốc gia phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Sau hơn 20 năm, đã có hơn 150.000 lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng phái cử thực tập sinh Việt Nam gần đây cũng có những cải thiện rõ rệt.
Trong năm 2017, ngành lao động đặt kế hoạch đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, sau 10 tháng, ngành lao động đã đạt mục tiêu xuất khẩu lao động của năm 2017, con số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 101% kế hoạch năm.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH đã công bố danh sách 46 DN XKLĐ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Các DN bị thu hồi giấy phép hoạt động phần lớn là doanh nghiệp đang hoạt động ở Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân các DN bị thu hồi giấy phép hoạt động chủ yếu do vi phạm các quy định trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: không làm thủ tục đổi giấy phép; DN không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài; trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài quy định; không thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài…
Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các DN bị thu hồi giấy phép phải có báo cáo về thực trạng lao động của công ty, đồng thời vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục quản lý, hỗ trợ các lao động đang làm việc và chuẩn bị sang làm việc tại nước ngoài. Các lao động đã trúng tuyển vẫn tiếp tục đúng quy trình và đợi ngày xuất cảnh, các lao động đang làm việc tại nước ngoài trực thuộc quản lý của DN phải được hỗ trợ như bình thường cho đến khi hết hợp đồng lao động về nước. Thống kê cả nước hiện có 296 DN XKLĐ đang hoạt động.
Bình luận (0)