Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xúc tiến chủ trương thành lập trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đặt tại 3 miền của Việt Nam. Các trung tâm này được thành lập trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP HCM). Mô hình này là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, đổi mới công nghệ, kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế, chuyển giao các chương trình giảng dạy mới. Các trung tâm quốc gia này được kỳ vọng sẽ cung cấp những kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới.
Tại hội thảo, TS Jurgen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam về mô hình giáo dục kép ở Đức, cho biết ở Đức có hơn 1.000 trung tâm về đào tạo nghề chất lượng cao với tiêu chuẩn kỹ năng nghề được công nhận trên toàn thế giới. Doanh nghiệp lựa chọn học viên, học viên được doanh nghiệp gửi đến trung tâm đào tạo theo phương thức vừa thực tập vừa làm. Các trường cung cấp gói đào tạo thường xuyên, nâng cao kỹ năng cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp và cung cấp cơ sở thực hành kỹ thuật với công nghệ mới nhất như máy in 3D, sử dụng robot, phát triển khái niệm sư phạm mới trong GDNN. Từ kinh nghiệm thành công ở Đức, TS Jurgen Hartwig khuyến nghị Việt Nam cần bắt đầu từ chức năng chính là cơ sở GDNN thay đổi thế nào. Đơn cử như về đào tạo, không chỉ cơ sở giáo dục - đào tạo chất lượng cao, mà trường nghề, cao đẳng cũng cần đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bình luận (0)