Làn sóng nhảy việc sẽ diễn ra dữ dội từ nay đến giữa năm 2015 là nhận định của Jon Whitehead, đại diện Công ty Tư vấn Tuyển dụng Robert Walters tại hội thảo nhân sự do Công ty TRG tổ chức mới đây. Nghiên cứu của Công ty Robert Walters cũng cho thấy gần 70% người tham gia khảo sát khẳng định họ đang tìm việc mới trong năm nay vì muốn tăng lương, công việc hiện tại không hỗ trợ phát triển sự nghiệp.
Lao động phi chính thức có xu hướng tăng
Bà Phạm Thị Bảo Hà, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định lao động trong nước đang dịch chuyển nhiều giữa các ngành. Tỉ trọng lao động phi chính thức có xu hướng tăng do việc làm chính thức gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ thất nghiệp thấp do người lao động (NLĐ) chấp nhận việc làm bấp bênh, kém chất lượng.
Đặc biệt, lao động trong lĩnh vực xây dựng phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn 80% công nhân (CN) xây dựng là lao động thời vụ, công việc không ổn định; phải thường xuyên di chuyển, sống tạm bợ. Trước khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng phải cắt giảm nhân công cũng như lương và các chế độ khác. Không chỉ vậy, lao động trong các ngành liên quan, như: sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng… cũng bị ảnh hưởng.
Tương tự, NLĐ làm việc trong ngành bán lẻ và nông nghiệp cũng đang đối mặt với không ít khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế. NLĐ bắt buộc phải nhảy việc hoặc kiêm nhiệm nhiều công việc để bảo đảm cuộc sống.
Nan giải cơ hội việc làm
Sự xuất hiện của các KCX - KCN tại các huyện ngoại thành trên địa bàn TP HCM đã giúp lao động trẻ ở nông thôn tiếp cận cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Tuy nhiên, để đối tượng này có cơ hội việc làm phù hợp với nền công nghiệp hiện đại vẫn là vấn đề nan giải. ThS Vũ Ngọc Thành, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, nhìn nhận thanh niên ngoại ô còn ngại học nghề. Phần lớn nhận tiền đền bù rồi gửi ngân hàng lấy lãi chứ ngại lao động; số ít chuyển sang buôn bán kinh doanh. Những thanh niên không có tiền đền bù đều có trình độ thấp, chỉ thích làm bốc vác hoặc phụ hồ để có tiền ngay.
Theo ThS Nguyễn Quang Khải, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, cơ cấu việc làm của thanh niên đã có sự chuyển dịch. Số thanh niên làm nghề nông còn rất ít, xu hướng việc làm phi nông nghiệp ngày càng chiếm ưu thế. Nghiên cứu về mức độ hài lòng đối với việc làm của thanh niên do ông Khải và đồng nghiệp thực hiện cũng chỉ rõ mức độ không hài lòng của thanh niên CN và thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (thường là lao động thời vụ, tự do) cao hơn hẳn thanh niên làm việc ở lĩnh vực khác. Lương thấp, công việc không ổn định là nguyên nhân của tình trạng này.
Làm CN và lao động tự do là công việc được nhiều thanh niên vùng đô thị hóa chọn lựa. Thanh niên làm CN có công việc khá ổn định, phúc lợi, được tổ chức Công đoàn bảo vệ nhưng thu nhập thấp, không có tích lũy. Ngược lại, lao động trẻ hoạt động trong các ngành dịch vụ nhận thù lao khá hơn nhưng không được hưởng an sinh xã hội.
Khuyến khích học nghề và tạo việc làm
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, từ nay đến hết năm 2015, TP tiếp tục tăng cường các giải pháp truyền thông các chương trình khuyến khích học nghề và tạo việc làm cho thanh niên; cung cấp thông tin về nhu cầu lao động trẻ. Ngoài ra, các ban, ngành liên quan phải tham gia đánh giá, tham mưu, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp và việc làm. TP tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề, trường nghề tham gia tín dụng ưu đãi để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Bình luận (0)