Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 48 trường cao đẳng, trung cấp có chức năng đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực y tế. Trung bình mỗi năm Việt Nam hỗ trợ các nước dưới hình thức xuất khẩu lao động hoặc chuyển dịch lao động khoảng 145.000 người chủ yếu tập trung ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Malaysia.
"Việt Nam là nước có kinh nghiệm trong tuyển chọn, đào tạo và đưa công dân đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có đưa điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản, Đức. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Cộng hòa Séc trong việc tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi làm điều dưỡng, hộ lý tại Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, từ thế mạnh của Séc như luyện kim, sản xuất máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, chất hóa học, dược phẩm, chế biến lương thực thực phẩm...Việt Nam cũng mong muốn giữa hai nước sẽ sớm có hợp tác toàn diện trong việc giúp Việt Nam đào tạo nâng cao kỹ năng nghề" - Bộ trưởng chia sẻ.
Ngành Điều dưỡng đang được Cộng hòa Séc quan tâm
Ông Vojtech Filip cho biết trong gian tới, Cộng hòa Séc mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng viên, y bác sĩ, đồng thời có 1 cơ sở đào tạo về lĩnh vực này tại Việt Nam.
"Sau khi hoàn thành việc đào tạo chuyên môn và ngôn ngữ tại Việt Nam, phía Séc sẽ cấp visa để các công ty trực tiếp ký hợp đồng với học viên điều dưỡng, đảm bảo cho các điều dưỡng khi sang Séc làm việc sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về phục vụ tại các cơ sở y tế tại Việt Nam" – ông Vojtech Filip nhấn mạnh.
Ông Vojtech Filip cũng cho biết Cộng hòa Séc rất quan tâm tới vấn đề y tế, điều dưỡng viên. Về quy mô, Cộng hòa Séc có thể tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc…
Ngoài cung ứng và tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Cộng hòa Séc, hai bên tiếp tục nghiên cứu để mở rộng lĩnh vực ngành nghề, tiếp nhận lao động Việt Nam ở tất cả các nghề mà Cộng hòa Séc có nhu cầu, phù hợp với luật pháp của hai nước.
Bình luận (0)