Sau khi Việt Nam và Malaysia ký lại bản ghi nhớ về hợp tác lao động vào hôm 7-8-2015, tiếp theo đó hàng loạt chính sách của 2 nước được ban hành nhằm siết chặt quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết Cục Nhập cư Malaysia vừa thông báo về những điều chỉnh quản lý xuất nhập cảnh liên quan đến lao động Việt Nam.
Phải có chủ đón
Theo thông báo này, từ tháng 10-2015, thời gian đón người lao động (NLĐ) nhập cảnh Malaysia tại sân bay được điều chỉnh từ 24 giờ xuống 6 giờ. Đáng chú ý là tất cả lao động Việt Nam sang Malaysia phải được chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) ra tận sân bay làm thủ tục đón về nơi làm việc chứ không được thông qua công ty môi giới như trước đây. Nếu CSDLĐ không đến đón trong quãng thời gian quy định, NLĐ sẽ bị buộc quay về nước.
Quy định trên xuất phát từ việc thời gian qua, người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp gia tăng ở Malaysia, trong đó có những trường hợp nhập cư theo visa lao động sau đó bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng quy định mới không phân biệt đối với lao động Việt Nam mà áp dụng chung với lao động các nước nhằm bảo đảm họ nhập cảnh đúng mục đích.
Dù vậy, rủi ro không hề nhỏ cho NLĐ nếu quy định trên không được phía doanh nghiệp (DN) phái cử lao động nắm bắt, kể cả trường hợp các cá nhân, tổ chức đưa NLĐ đi “chui”. Do đó, ngay sau khi có quy định này, Dolab đã có văn bản yêu cầu các DN khẩn trương liên hệ với công ty môi giới và CSDLĐ để thống nhất chuyến bay, thời gian đến sân bay và đón NLĐ theo đúng quy định. Nếu làm trái quy định, NLĐ bị trả về nước, DN phải bồi thường mọi chi phí.
Chưa bị kiểm tra an ninh
Vào cuối tháng 7, một công dân Việt Nam đi du lịch Singapore và Malaysia, khi làm thủ tục hồi hương tại sân bay Kuala Lumpur đã bị giữ lại 7 ngày vì nghi đóng dấu visa giả. Dù cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia can thiệp nhưng vụ việc sau đó bị dư luận chỉ trích, cho rằng Malaysia phân biệt đối xử với công dân Việt Nam.
Cùng với việc tạm giữ công dân này, một số DN xuất khẩu lao động cho biết vừa qua, phía Malaysia đã ban hành biện pháp kiểm tra y tế và kiểm tra an ninh đối với lao động Việt Nam ngay tại sân bay. Việc kiểm tra là bất lợi cho NLĐ bởi trước khi đi, NLĐ đã kiểm tra sức khỏe theo quy định cũng như nhập cư đúng mục đích.
Liên quan đến thông tin này, Dolab xác nhận có việc chính phủ Malaysia đưa ra quy định mới khám sức khỏe trực tuyến (bio-medical) và kiểm tra an ninh trước khi nhập cảnh (ISC) đối với NLĐ. Quy định này ban hành từ ngày 15-11-2014 nhưng cho đến nay, cơ quan chức năng của Malaysia chưa có thông tin chính thức về việc áp dụng đối với lao động Việt Nam. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Dolab và Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng Malaysia để có biện pháp trao đổi, thống nhất quy trình thực hiện. Trước mắt, khi chưa có quyết định chính thức, mọi thủ tục liên quan đến khám sức khỏe và xin cấp visa làm việc cho NLĐ sang Malaysia vẫn thực hiện như trước nay.
Phải báo cáo lao động xuất cảnh
Tại công văn mới ban hành, Dolab yêu cầu các DN thực hiện nghiêm túc công tác tuyển chọn, đào tạo cho NLĐ trước khi xuất cảnh sang Malaysia đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy định trách nhiệm của các bên tại bản ghi nhớ hợp tác lao động vừa ký kết giữa 2 nước. Đáng chú ý là DN phải lập danh sách và báo cáo cụ thể từng lao động được tuyển chọn về Dolab; trên cơ sở đó xác nhận, làm căn cứ cho cơ quan chức năng cấp visa cho NLĐ. Được biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng 5.500 lao động Việt Nam sang Malaysia, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện có 150 trong tổng số 242 DN xuất khẩu lao động khai thác thị trường này.
Bình luận (0)