Đây là công việc part-time đầu tiên tôi có được ở năm nhất đại học, và tôi rất ý thức phải đi làm sớm để có thể học hỏi thêm và kiếm được chút ít tiền cho sinh hoạt cá nhân mà không phải nhờ gia đình. Công việc của tôi là phải thức dậy thật sớm, lên công ty lấy đồ đạc điện tử, tai nghe, bút chì, nước và những vật dụng khác như banner, thẻ giữ giỏ để đến nơi set up cho phòng thi và hỗ trợ thí sinh.
Cũng có thể nói, giám thị chính xác là một người hỗ trợ hơn là giám thị. Nhiều người hay nghĩ giám thị nhàn lắm, đứng chơi chơi, loanh quanh cả buổi là xong. Không đâu. Giám thị mệt lắm, vừa phải nghĩ làm sao hỗ trợ cho tốt, vì mỗi thí sinh là một người khách mà, trách nhiệm của tôi là giúp người ta có thể thi trong điều kiện tốt nhất, vừa phải đủ nghiêm khắc để họ không gian lận hay ảnh hưởng thí sinh khác. Hết nước cũng giám thị, nóng cũng giám thị, đèn chói quá của giám thị.
Đi thi IELTS tốn tiền lắm, nên làm giám thị tôi vừa thấy thương, vừa thấy nể thí sinh. Có mấy bạn tôi gặp ba bốn lần, hỏi ra là chưa đủ điểm để đi du học nên cứ phải thi tiếp, nghe xong tự thấy mình phải cố gắng hơn. Có mấy anh chị đi dạy tư nhân mà đòi bằng IELTS, không là phải nghỉ việc, chưa vô phòng thi đã run hỏi quá trời. Tôi làm giám thị lúc nào cũng phải trấn an họ trước khi vào phòng thi, tại tiền là mồ hôi công sức cả.
Việc sợ trách nhiệm sẽ khiến bạn rất khó vươn lên và đạt được sự hoàn thiện cho bản thân của mình
Trong lúc thi, tôi luôn đi vòng quanh để đảm bảo không thí sinh nào gian lận, vừa là để xem họ viết đến đâu, có cần thêm giấy không, đầu viết chì họ có bị mòn chưa. Người ta không cần hỏi, tôi đã đưa ra rồi. Thật ra không ai chỉ tôi cả, là tôi tự thấy, tự muốn làm, tôi biết đi thi mệt mỏi lắm, nên cái cảm giác mà được quan tâm như vậy nhìn không là gì chứ nó nhiều lắm. Nhưng thi xong rồi, tôi cũng không thể gặp lại thí sinh để xem họ thi thế nào, và tôi cũng chẳng muốn gặp lại, tôi muốn họ nhận được kết quả họ cần.
Công việc part time làm giám thị này gắn bó với tôi tới những 3 năm, đôi khi làm một công việc lặp đi lặp lại nó rất nhàm chán, tôi thậm chí có thể nhắm mắt mà vẫn làm được, nhưng nó lại cho tôi nhiều bài học quý. Nhất là việc không cần dùng đến lời nói, vẫn có thể cho người ta biết mình rất quan tâm và hỗ trợ cho họ. Giám thị giống như là "test tender" vậy, họ cùng một chiến tuyến với thí sinh, nhưng chỉ là họ đứng đối diện mà thôi. Một giám thị mà làm cho không khí trở nên căng thẳng và người ta phải gian lận chưa bao giờ là giám thị giỏi cả.
Và bạn biết đó, tôi được trả 4 USD/giờ và đây là một số tiền không nhỏ với sinh viên năm nhất thời đó, và tôi may mắn có được công việc là nhờ vào việc mình đi học trong trung tâm, thấy cô giáo đang được giao nhiệm vụ tìm người làm part-time nên tôi xin phép cô cho mình làm. Nhưng vì là số tiền không nhỏ, nên mình cũng tự đặt ra cái chuẩn cho mình để xứng đáng với mức lương đó.
Nhưng cũng vì nó khá lớn, nên sau này cho dù có chán thì tôi cũng muốn duy trì việc đi làm, chứ không dám nghỉ, dù có rất nhiều những sự kiện mình muốn tham gia, những hôm buồn muốn đi chơi. Lúc đó tôi mới hiểu được phần nào những người đang trong áp lực cơm áo gạo tiền, hoặc đang làm một công việc không ưa thích nữa, nhưng mà nếu rời khỏi công việc đó, họ sẽ không kiếm được một công việc nào có thu nhập hấp dẫn hơn như vậy nữa.
Bạn sẽ không ít lần phải đi làm vì tiền, điều đó thật tệ, nhưng để vượt qua nó cần rất nhiều sự dũng cảm.
Tôi từ bỏ công việc làm giám thị của mình và đi làm cái khác khi mình năm 3 đại học, vì tôi mong muốn được học hỏi nhiều hơn nữa. Tôi thường không cảm thấy sợ khi không có nhiều tiền, nhưng lại cảm thấy sợ khi thấy xung quanh mình mọi người khác thật giỏi. Tôi biết suy nghĩ đó thật buồn cười, nhưng đến mãi về sau này tôi mới không còn cảm thấy thế nữa. Còn trong con mắt của một đứa sinh viên lúc đó như tôi, kiến thức và trải nghiệm quyết định hoàn toàn con đường sau này.
Và trải nghiệm đầu tiên của tôi đó là: shock. Dù tôi biết là mình đang đầu tư cho bản thân nhưng vẫn cảm thấy shock khi túi tiền bị mỏng đi. Tôi chỉ được trả 1 USD/giờ cho công việc này. Nhưng bạn tin tôi đi, khi bạn bắt đầu quen với việc đó, bạn sẽ dần dũng cảm hơn khi có thể bắt đầu mới một cái gì đó, và cảm giác này là điều mình rất biết ơn con người của mình những năm trước.
Công việc của tôi là xử lý số liệu, nghiên cứu và tìm hiểu khách hàng, lên những ý tưởng và phối hợp thực hiện nội dung với nhiều anh chị khác. Thật sự những tuần đầu làm việc, tôi như bước vào một chân trời mới với rất nhiều kiến thức hay ho, nó thật hào hứng, nhưng cũng khiến tôi sợ rằng mình không đủ giỏi để có thể thành thạo như mọi người.
Tôi lúc nào cũng cố gắng hoàn thành mọi thứ trước deadline và dành thời gian nghiên cứu thật nhiều, hỏi mọi người thật nhiều trong những giờ họ rảnh. Thậm chí, có lúc tôi còn tự học coding cơ bản để hiểu hoạt động website công ty mình dù tôi chưa từng biết code là gì cả. Nếu hỏi ban đầu tôi có thấy ngại không, thì có, dĩ nhiên có rồi, còn nhiều nữa là đằng khác. Bạn chắc cũng biết những thứ kĩ thuật nó phức tạp đến mức nào, và nếu bạn không phải là người trong ngành, bạn cần rất nhiều sự dũng cảm để bắt đầu và thích nghi.
Nhưng tôi cuối cùng cũng học được, cũng hiểu được, và tôi bắt đầu yêu thích được học những điều mới, một số người thấy tôi chịu khó, còn bày thêm cho tôi nhiều thứ khác nữa. Tất cả những gì chúng ta cần để thích nghi thật ra chỉ là sự bình tĩnh, và tận hưởng những điều mới như một đứa trẻ. Khi càng có nhiều trách nhiệm, chúng ta sẽ ngày một vội, và đó là lý do vì sao chúng ta khó thích nghi hơn. Nhưng bạn nghĩ thử xem, bạn muốn vấn đề thật sự được giải quyết hay chỉ không muốn giải quyết chúng nữa. Việc sợ trách nhiệm sẽ khiến bạn rất khó vươn lên và đạt được sự hoàn thiện cho bản thân của mình, chứ chưa cần nói đến công việc.
Khi đi làm cho một công ty ở vị trí có liên hệ với nhiều phòng ban khác, tôi nhận ra môi trường doanh nghiệp là nơi để bạn biết hồi đó bạn gặp giới hạn ở đâu, những gì lúc trước bạn cho là "đỉnh" lắm thì ra nó chỉ là một thủ thuật bình thường thôi. Bạn cần so sánh với bản thân là cách để bạn thấy rõ sự tiến bộ của mình, hãy làm cho "bạn hồi đó" cảm thấy ganh tị với "bạn bây giờ" thay vì với người khác.
Điều quan trọng hơn, doanh nghiệp là một đại học. Cuối tháng bạn luôn có học bổng cho những gì mình làm. Số học bổng này sẽ phụ thuộc vào thành tích học tập của bạn.
Và hiển nhiên cố gắng đừng bao giờ để đến cuối tháng, những gì bạn nhận được chỉ là lương mà thôi. Nó phải là một điều gì đó mới, kiến thức, kĩ năng, quan hệ. Bao nhiêu tiền mình đi làm, tôi đổ vào việc đi học và mời mấy anh chị đi ăn để tìm hiểu những kiến thức chuyên ngành, để biết cái "nền tảng" của mình có lỗ nào đang hổng. Vé phim 50.000 không dám mua mà khóa học 200.000 là "đập" không thương tiếc. Và tôi hay là đứa chạy đi chạy lại ở nhiều phòng ban nhất. Tôi làm marketing, mà phòng kế toán, nhân sự, merchandise, logistic, data… "mâm" nào cũng có mặt mình. Để làm gì? Để hỏi mà biết mọi thứ nó "liên kết" với nhau như thế nào. Và mở rộng kiến thức chính là con đường dẫn đến sự chuyên sâu.
Bạn cần phải "uyên bác" trước khi trở nên "uyên thâm"!
Đây là công việc đầu tiên sau khi tôi đã tốt nghiệp đại học, không phải là một công việc thật tiếng tăm và có thu nhập cao, lương mình chỉ tầm 500 – 600 USD/tháng nhưng tôi vẫn chọn lựa nó vì tôi mong muốn được tìm hiểu những kiến thức trong ngành Management Consulting và được đi theo một người sếp tốt. Anh của sếp tôi nằm trong Forbes 30 under 30 năm 2016 và cả 2 người đều vừa là McKinsey consultant lẫn vận động viên chuyên nghiệp.
Và bạn biết đấy, sếp tôi rất thông minh, có thể là người thông minh nhất tôi từng gặp theo kiểu street smart, trong khi tôi là một đứa tương đối sách vở. Vậy nên, tôi như được bổ sung rất nhiều khiếm khuyết cho bản thân khi làm việc. Công ty lúc đó giống như start-up vì quy mô khá nhỏ, team chỉ có 8 người chia ra thành team Product và team Business. Tôi thuộc team Product và nhiệm vụ là viết tài liệu học tập cho khách hàng để giúp họ thi đậu vào các tập đoàn lớn về Management Consulting.
Tôi nhận ra khách hàng đôi khi là một phần đội ngũ của công ty vì họ đưa ra rất nhiều lời khuyên giúp công ty phát triển. Sếp tôi thường không chỉ lắng nghe để xem khách hàng cần gì để đưa cho họ, mà đôi khi còn liên hệ mời họ hợp tác để phát triển sản phẩm nữa. Và thậm chí, nhân viên cũng là một phần của sản phẩm, vì khi được training, những lỗi sai của mình sẽ được sếp tạo ra sản phẩm mới, giúp cho người học tránh được những lỗi ấy. Chí phí đào tạo nhân viên và chi phí phát triển sản phẩm gộp lại thành một. Thấy ghê không?
Nhưng điều đặc biệt nhất mà mình học được khi làm việc ở đây chính là "Sự hào nhoáng không phản ánh mọi thứ".
Sếp tôi cũng từng rất không hạnh phúc với công việc mấy ngàn đô của ảnh hồi đó và mỗi sáng thức dậy đều phải nhìn vào gương và tự trấn an bản thân mình. Bạn sẽ hiểu được rằng, có nhiều người lúc nào cũng ở khách sạn 5 sao, ăn đồ cao cấp, bay máy bay thương gia nhưng lòng họ tràn ngập nỗi sợ và bất an, không một giây nào tận hưởng được những điều xung quanh.
Họ có rất nhiều mối quan hệ và cơ hội để kiếm thật nhiều tiền, nhưng lại không cảm thấy mình được làm những điều mình muốn, lúc nào cũng thấy mình cố làm vì nỗi sợ mất mát một cái gì đó. Họ có nhiều của cải vật chất, nhưng chỉ dùng để an ủi và động viên bản thân.
Và đó là lý do sếp mình làm một dự án nhỏ của riêng ảnh, dù không còn hằng ngày được hưởng nhiều đặc quyền như công việc trước kia, và đôi khi còn thiếu tiền nữa, nhưng công việc lại mang đến cho ảnh nhiều năng lượng để cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Xét cho cùng, chẳng ai có thể khiến bạn hạnh phúc ngoài chính bản thân của bạn cả. Nếu có điều kiện lựa chọn làm việc mà không quá nặng về thu nhập, tôi nghĩ làm một công việc khiến bạn hạnh phúc rất quan trọng.
Sau khi làm được một thời gian thì tôi chuyển qua một công việc mới, đúng với định hướng về mảng management consulting của mình. Đây cũng là bước nhảy vọt về lương (tận 1000 USD) khi tôi là người có nhiệm vụ làm việc trực tiếp với các sếp trong doanh nghiệp để giúp họ có thể vận hành tốt hơn. Nhưng công việc cũng không từ trên trời rơi xuống, tôi đã nhiều lần networking và tìm hiểu sếp mới của mình, bày tỏ nguyện vọng để được làm một công việc như vậy.
Hãy làm điều bạn muốn khi bạn có khả năng
Và suốt khoảng thời gian đi làm đó giờ, chưa bao giờ mình nộp đơn quá 3 nơi cả, vì tôi hiểu rằng một công việc sẽ tốn của mình ít nhất là 1-2 năm để thật sự có một kĩ năng hoặc thành thạo vài điều trong lĩnh vực đó, nên việc chọn lựa kĩ lưỡng nơi mình muốn vào luôn là ưu tiên hàng đầu. Và những công việc hay ho, thường rất ít khi đăng tuyển đại trà, hầu hết trường hợp bạn phải tự liên hệ để tìm hiểu, hoặc thậm chí đề nghị người ta có thêm vị trí đó để bạn vào làm.
Mỗi ngày của tôi bắt đầu bằng những chuyến xe bus sớm, tầm 5:00 – 6:00 để đi về các tỉnh, nơi mà họ không có nhiều những dịch vụ tư vấn để giúp họ điều hành công ty. Và công việc cũng rất áp lực, vì bạn phải chịu trách nhiệm lớn cho nhiều thứ. Tôi thường xuyên bỏ bữa và thiếu ngủ hơn, và bạn cũng sẽ nhận ra rằng, những người chủ mà bạn đang làm việc cùng, họ cũng đã giống như bạn, để có thể gầy dựng một cơ nghiệp riêng của mình.
Tôi làm hơn 8 dự án với đủ loại hình công ty khác nhau và thấy rằng không cần quá nhiều điều để khiến bạn có thể thành công, chỉ cần bạn kiên trì là sẽ được. Và tôi cũng bớt mơ mộng về những thành công sớm, làm chủ trẻ hay những người giàu có trong tích tắc. Vì tỉ lệ những điều đó xảy ra thật sự rất thấp. Công việc dạy cho tôi mối quan hệ giữa mọi người với nhau ảnh hưởng đến thành công rất lớn của tổ chức. Khi bắt đầu có những người làm ở công ty tận năm thứ 5 xuất hiện, công ty mới có cơ sở để phát triển.
Bạn biết không, khi lương tăng, tôi rất vui, có đôi chút tự hào, vì tôi nghĩ là mình đã đáng giá hơn rất nhiều. Nhưng điều tôi cảm thấy quan trọng hơn là những khó khăn mà công việc mang lại, vì chúng giúp cho mình ngày càng hoàn thiện. Tôi nhận thấy tiền không mua được hạnh phúc, nó chỉ giúp bạn mua được nguyên liệu mà thôi, việc có hạnh phúc hay không là do ý định của bạn. Bạn sẽ có một thẻ tập gym mới, nhưng có đi tập hay không vẫn là do bạn mà thôi.
Hãy làm điều bạn muốn khi bạn có khả năng! Chúc bạn thành công.
Bình luận (0)