Ngược lại, một người sếp kém cỏi sẽ khiến công việc mơ ước của bạn thành cơn ác mộng. Vậy làm thế nào để nhận diện sếp tương lai trong giai đoạn phỏng vấn?
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink sẽ chỉ ra một vài biểu hiện của sếp trong lúc phỏng vấn, từ đó bạn có thể biết được phần nào tính cách của sếp và quyết định có nên "đầu quân" vào công ty hay không.
Tính cách thân thiện, dễ gần
Trong lần đầu gặp mặt, chưa thể chắc chắn rằng có làm việc với nhau được hay không nhưng sếp tỏ ra là một người cởi mở, thân thiện trong cách nói chuyện, thì có thể biết rằng đây là một người hòa đồng và dễ gần. Khi bạn bắt đầu trình bày, họ sẽ chăm chú lắng nghe một cách có thiện chí, luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện và không bị phân tâm bởi các tác nhân bên ngoài. Điều này chứng tỏ sếp là một người hết sức xem trọng nhân viên, chịu lắng nghe và luôn tạo cơ hội để họ được bày tỏ quan điểm của mình.
Chú trọng tiểu tiết, kỹ tính
Những người có tính cách này thông thường sẽ đặt ra cho bạn khá nhiều câu hỏi đúng trọng tâm chuyên môn lẫn kỹ năng liên quan. Họ muốn biết càng cụ thể càng tốt những thông tin về năng lực, kinh nghiệm của bạn, thậm chí không ngại đặt ra nhiều câu hỏi khó nhằm đảm bảo rằng bạn thỏa mãn được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bạn có thể thấy họ khó khăn nhưng đây sẽ là người thầy giúp bạn học hỏi rất nhiều điều, đặc biệt là tính cẩn thận và sự tỉ mỉ - yếu tố cần thiết đối với bất kỳ ngành nghề nào.
Tự cao, độc đoán
Đến trễ giờ phỏng vấn, bắt ứng viên chờ đợi nhưng không có một lời thông báo trước hay một câu giải thích và xem đó là chuyện bình thường, luôn tỏ thái độ "ta đây", thể hiện cái tôi quá mức, chứng tỏ mình là "cấp cao" hoặc cắt ngang lời người khác, tự cho là người hiểu biết hay tỏ ra thờ ơ, không chú tâm đến người đối diện… là những biểu hiện của một người sếp luôn coi thường nhân viên, cho rằng mình luôn đúng, luôn hành động sáng suốt nhất và ít khi nghe theo lời góp ý của người khác. Thậm chí sẽ "trảm" bất kì ai có dấu hiệu "không phục".
Làm việc dưới quyền những vị sếp như thế này dễ gây tâm lý ức chế, không sớm thì muộn tài năng của bạn sẽ bị lãng phí.
Không rõ ràng, mập mờ
Có thể thao thao bất tuyệt và đặt ra cho bạn nhiều câu hỏi nhưng khi được hỏi lại về những vấn đề trong công ty, mục tiêu và phương hướng hoạt động thì sếp lại trả lời cho qua chuyện, nói không đúng trọng tâm, tỏ ra lúng túng và không rõ ràng. Điều này chứng tỏ họ có thể là một người giao tiếp kém lưu loát, không có định hướng và tầm nhìn chiến lược cho công ty cũng như phát triển kỹ năng, kinh nghiệm cho nhân viên. Là cấp dưới của dạng sếp này, nhân viên sẽ không được quan tâm hỗ trợ và dĩ nhiên là khó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Bạn có thể cân nhắc và lưu ý kĩ trước khi quyết định có nên hợp tác với một người sếp như thế hay không.
Mong rằng với các gợi ý trên, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm cần thiết để tìm kiếm một người sếp tuyệt vời – khiến bạn sẵn sàng làm việc và cống hiến hết sức mình. Chúc các bạn thành công!
Bình luận (0)