Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), qua triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 27-5-2021, đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho hơn 14,4 triệu người (11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên 1,3 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động; trên 1 triệu người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động và trên 37.300 hộ kinh doanh) với tổng kinh phí trên 32.694 tỉ đồng.
Nhiều đối tượng được hỗ trợ
Về tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp (DN) cho 192.503 NLĐ với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỉ đồng.
Trên cơ sở tình hình tác động của đại dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ an sinh lần này dự kiến hơn 27.300 tỉ đồng. Ngoài 17.900 tỉ đồng miễn tiền đóng và tạm dừng, gia hạn đóng vào các quỹ BHXH và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ DN đào tạo lại NLĐ; sẽ dành 380 tỉ đồng hỗ trợ NLĐ dừng hợp đồng, nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 1,8 triệu đồng/người; dành 600 tỉ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng với mức 2 triệu đồng/hộ/tháng; 70 tỉ đồng hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch với mức 80.000 đồng/trẻ em/ngày; 1.000 tỉ đồng cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch...
Đại diện LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM tặng quà cho người lao động khó khăn trong vùng bị phong tỏa do dịch Covid-19 Ảnh: CAO HƯỜNG
Theo dự thảo trên, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc (hơn 2.400 tỉ đồng), cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất (hơn 5.000 tỉ đồng).
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB-XH sau khi tiếp thu ý kiến và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ ký tờ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại TP HCM, Sở LĐ-TB-XH đã đề xuất gói hỗ trợ thứ hai hơn 1.000 tỉ đồng cho khoảng hơn 500.000 người, chỉ còn chờ HĐND TP HCM thông qua là có thể vận hành.
Nhẹ thủ tục, rõ trách nhiệm
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng gói hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đang trình Chính phủ là rất cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách cần tiếp tục được thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, để khi chính sách ban hành có tính khả thi và nhanh đi vào cuộc sống, kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, giảm ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với NLĐ và DN. "Nếu các điều kiện đưa ra quá cao hoặc thủ tục rườm rà, xác định trách nhiệm không rõ và phân cấp không mạnh cho các địa phương thì NLĐ và người sử dụng lao động sẽ rất khó tiếp cận chính sách, bị ách tắc trong việc triển khai" - ông Ngọ Duy Hiểu lưu ý.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhìn nhận việc ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 trong năm 2021 là hết sức quan trọng. "Gần năm rưỡi qua, các DN đã chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề, đà hồi phục được kỳ vọng trong năm 2021 bị thách thức lớn với đợt bùng phát lần thứ 4 này tại các trung tâm kinh tế lớn. Hầu hết các DN đều đang trong tình trạng "yếu, ốm", có những DN đã phải "bán nhà, bán xe" để giữ cho được sự tồn tại, giữ được công ăn việc làm cho NLĐ. Hỗ trợ DN lúc này là giữ lại được việc làm, giữ lại được nguồn thu ngân sách trong thời gian tới" - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Từ kinh nghiệm của năm 2020, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng các chương trình hỗ trợ DN và NLĐ bằng các chương trình giảm, tạm dừng đóng các khoản quỹ phải nộp hết sức quan trọng, giảm được nguồn tiền DN phải chi ra trong bối cảnh không có hoặc rất ít nguồn tiền vào.
Nhưng điều quan trọng, theo ông Đậu Anh Tuấn, là điều kiện để DN tiếp cận các chương trình này phải thuận lợi, các chương trình này triển khai trên thực tế phải nhanh chóng, đơn giản. "Có lẽ cần thiết sau thời gian nhất định như 3 tháng hay 6 tháng, cần có đánh giá độc lập về hiệu quả thực tế triển khai chương trình này, hoạt động đánh giá, giám sát cần phải là một phần quan trọng của chương trình hỗ trợ".
Bình luận (0)