Dự kiến đầu tuần tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ ba tại Hải Phòng để đưa ra phương án cuối cùng về việc nâng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019. Ở hai phiên họp trước, mức tăng LTT vùng vẫn chưa được thống nhất. Trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ - chỉ đồng ý nâng mức đề xuất từ 0% lên 2% thì Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện người lao động (NLĐ), vẫn bảo lưu ý kiến phải tăng 8%.
Lương tháng nào "xào" hết tháng đó
Chiều 9-8, chúng tôi ghé thăm một khu nhà trọ công nhân (CN) tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM. Vừa nghe chúng tôi nhắc đến LTT, chị Lê Thị Thảo - quê Cà Mau, CN một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công quần áo - lắc đầu: "Lương lãnh tháng nào là "xào" hết tháng đó, thậm chí phải vay mượn thêm để chi tiêu. Cuộc sống của chúng tôi chật vật, thiếu thốn là vậy nhưng không hiểu VCCI căn cứ vào đâu mà chỉ đề xuất nâng LTT ở mức 2%?".
Lương tối thiểu thấp sẽ không tạo được động lực để người lao động tăng năng suất lao động và gắn bó với doanh nghiệp
Thảo cho biết chị làm việc tại công ty được 2 năm, tổng thu nhập hằng tháng (có tăng ca) khoảng 6 triệu đồng. Mỗi tháng, các khoản chi phí như tiền thuê nhà trọ, điện, nước, ăn uống, nuôi con… đã ngốn gần hết thu nhập. Chồng Thảo là CN một xưởng gỗ vừa nghỉ việc, gánh nặng chi tiêu trong gia đình vì thế dồn hết lên vai chị.
Tháng 4 vừa rồi, Thảo sinh một bé gái song qua chẩn đoán, cháu bị hở van tim 3 lá và teo van động mạch phổi. Sau lần phẫu thuật đầu tiên, sức khỏe bé vẫn chưa ổn định và bác sĩ buộc phải phẫu thuật lần 2. Chồng thất nghiệp trong khi lại đang trong thời gian nghỉ thai sản, Thảo gần như suy sụp khi biết chi phí phẫu thuật cho con quá lớn. Rất may cho Thảo là Công đoàn (CĐ) cơ sở nơi chị làm việc đã vận động ban giám đốc và tập thể CN ủng hộ gần 40 triệu đồng giúp chị trang trải phí phẫu thuật cho con.
"Vậy mà hoàn cảnh của em cũng chẳng là gì so với nhiều đồng nghiệp. Do thu nhập bấp bênh nên nhiều người không thể trụ lại TP HCM, đành phải về quê làm ruộng" - chị Thảo rầu rĩ.
Nói về đề xuất mới của VCCI, anh Diệp Hoàng Liêm - CN một DN đóng tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An - bày tỏ: "Năm nào cũng vậy, LTT chưa được điều chỉnh thì tiền nhà trọ, điện, nước đã tăng trước. Điều này khiến cuộc sống của NLĐ vốn đã khó càng khó hơn. Đã qua 2 lần họp bàn mà VCCI vẫn kỳ kèo từng đồng, chẳng thà không thương lượng thì hơn".
Liêm cho biết mỗi tháng, vợ chồng anh phải trả tiền thuê nhà trọ 1 triệu đồng; tiền điện, nước khoảng 500.000 đồng; chưa kể các khoản tiền ăn học của con cái… Trong khi đó, tổng thu nhập của vợ chồng anh chưa đến 8 triệu đồng/tháng. "Nếu LTT không tăng hoặc tăng nhỏ giọt như đề xuất của VCCI thì chắc chắn cuộc sống của gia đình tôi khó bảo đảm" - anh nói.
Nhiều hệ lụy
Đó là khẳng định của các cán bộ CĐ, chuyên gia quản lý lao động và chủ DN khi trao đổi với chúng tôi về mức nâng LTT do VCCI đề xuất. Theo họ, mức tăng 2% của VCCI rất khó chấp nhận bởi không giúp cải thiện cuộc sống NLĐ mà còn đi ngược lại tinh thần của Bộ Luật Lao động. "Chắc chắn CN sẽ bỏ việc vì lương thấp và điều này cũng khiến DN rơi vào tình trạng biến động lao động, khó có thể phát triển bền vững" - ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khải Hoàn, nhìn nhận.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple (100% vốn Đài Loan; huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết qua khảo sát, chỉ 20% trong tổng số 3.000 CN đang làm việc tại công ty có thể sống được với nền LTT hiện tại. Số DN này đa phần là dân địa phương nên ít nhiều tiết kiệm được chi tiêu. "80% còn lại là dân từ các tỉnh đến nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của ban giám đốc và CĐ cơ sở thì họ khó trụ lại TP" - ông Hải lo ngại.
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), cũng cho rằng đề xuất của VCCI chưa lường hết khó khăn trong thực tế của NLĐ. Ông Kiệt dẫn chứng: "Theo tính toán mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức chi trung bình của 1 NLĐ lên tới 7,38 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương cơ bản mà DN trả NLĐ (đủ ngày, giờ công) trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác thì tổng thu nhập trung bình của NLĐ năm 2018 cũng chỉ gần 5,53 triệu đồng/tháng. Rõ ràng giữa thu nhập và chi tiêu thực tế hiện nay của NLĐ có độ vênh khá lớn. Do vậy, mức tăng LTT ít nhất cũng phải bằng năm ngoái (6,5%)".
Trước những viện dẫn của VCCI nhằm bảo lưu ý kiến không tăng LTT hoặc tăng chừng mực để bảo đảm "sức khỏe" cho DN, ngay cả nhiều chủ DN cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo họ, nếu LTT không được điều chỉnh ở mức hợp lý để bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ thì DN cũng là đối tượng gánh chịu hậu quả. LTT không tăng sẽ không tạo được động lực để NLĐ tăng năng suất lao động và gắn bó với DN. Điều này đồng nghĩa sẽ tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của DN trong xu thế hội nhập, nhất là khi tham gia các sân chơi lớn hơn.
"Một khi đời sống không được cải thiện, NLĐ sẽ bức xúc dẫn đến nguy cơ bùng phát tranh chấp lao động" - ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, cảnh báo.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Mức tăng 8% là hợp lý
Điều 91 Bộ Luật Lao động quy định: Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ cùng gia đình họ. Nói cách khác, LTT phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đưa ra mức đề xuất 8%, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tính toán rất kỹ. Đây là mức được tính toán cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức LTT và nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Bình luận (0)