Trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ - chỉ đồng ý thay đổi mức đề xuất từ 0% lên 2% thì Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện cho người lao động (NLĐ), vẫn bảo lưu ý kiến phải tăng 8%.
Nói về đề xuất mới của VCCI, anh Diệp Kim Long - công nhân (CN) một doanh nghiệp (DN) đóng tại thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An - bày tỏ: "Năm nào cũng vậy, LTT chưa được điều chỉnh thì tiền nhà trọ, điện, nước đã tăng trước, điều này khiến cuộc sống của NLĐ vốn đã khó nay càng khó hơn. Đã qua 2 lần thương lượng mà VCCI vẫn kỳ kèo từng đồng một, chẳng thà không thương lượng thì hơn". Anh Long cho biết mỗi tháng, vợ chồng anh phải trả tiền thuê trọ 1 triệu đồng; tiền điện, nước khoảng 500.000 đồng; chưa kể các khoản tiền ăn, học của con cái… Trong khi đó, tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 8 triệu đồng/tháng. Nếu LTT không tăng hoặc tăng nhỏ giọt như đề xuất của VCCI thì chắc chắn cuộc sống của gia đình anh khó bảo đảm.
Khó khăn của anh Long cũng là tình cảnh chung của hàng triệu lao động cả nước. Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức chi tiêu trung bình của 1 NLĐ là 7,38 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương cơ bản mà DN trả NLĐ (nếu làm đủ ngày, giờ công) trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Và nếu tính thêm các khoản tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác thì tổng thu nhập trung bình của NLĐ năm 2018 gần 5,53 triệu đồng/tháng. So sánh thu nhập và mức chi tiêu hằng tháng, rõ ràng NLĐ đang rơi vào tình trạng "thu không đủ bù chi".
Trước những viện dẫn của VCCI nhằm bảo lưu ý kiến không tăng LTT hoặc tăng có chừng mực để bảo đảm "sức khỏe" cho DN, nhiều chuyên gia quản lý lao động thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình. Nếu LTT không được điều chỉnh ở mức hợp lý để bảo đảm mức tối thiểu của NLĐ thì DN cũng là đối tượng gánh chịu hậu quả. Thực tế, LTT không tăng sẽ không tạo được động lực để NLĐ tăng năng suất lao động và gắn bó với DN. Điều này đồng nghĩa sẽ tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của DN trong xu thế hội nhập, nhất là khi tham gia các sân chơi lớn hơn. "Một khi đời sống không được cải thiện, chắc chắn bức xúc trong NLĐ vốn âm ỉ lâu ngày sẽ bùng phát thành tranh chấp lao động, quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp hơn" - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý.
Bình luận (0)