Sau cuộc họp lần thứ hai, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, các bên đã thảo luận để làm rõ các số liệu, căn cứ xác định mức sống tối thiểu để có thêm cơ sở đàm phán, thương lượng về mức tăng lương tối thiểu năm 2019. Thế nhưng kết thúc phiên họp, đại điện các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, mức đề xuất chưa thể chốt.
Công đoàn vẫn giữ đề nghị mức tăng là 8%
Kết thúc phiên họp thứ hai, Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động) vẫn giữ nguyên đề nghị tăng LTT vùng năm 2019 phải ở mức 8%. Trong phiên họp lần thứ nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động) đề nghị không tăng LTT vùng năm 2019, tức là mức tăng 0% nhưng tại phiên họp lần này, VCCI đồng ý sẽ tăng nhưng chưa đưa ra phương án cụ thể.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nếu không tăng LTT vùng năm nay thì năm sau mức tăng lương sẽ đột biến, gây sốc cho quan hệ lao động. Điều kiện kinh tế - xã hội đang có nhiều khởi sắc nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, do đó việc hoạch định chính sách phải hài hòa mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong phiên họp lần thứ hai là cách xác định mức sống tối thiểu, trong đó Tổng LĐLĐ Việt Nam đang quan tâm tới rổ hàng hóa để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Theo ông Hiểu, trước đây rổ hàng hóa này là 724.000 đồng, nhưng ngày 26-7, các thành viên chỉ xác định có 660.000 đồng, trong khi thực tế giá cả đều tăng. Căn cứ giá cả được các thành viên đưa ra tính toán chủ yếu dựa vào giá cả lương thực - thực phẩm, mà tỷ lệ này chỉ chiếm 45% (vì phần lớn người lao động ở các đô thị là lao động trẻ), trong khi 55% còn lại là các chi phí "phi lương thực - thực phẩm" như vui chơi, giải trí... thì không được tính đầy đủ.
Đời sống công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, chờ được tăng lương
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, rổ hàng hóa và tỷ lệ lương thực thực phẩm là hai vấn đề cốt lõi để tính toán mức sống tối thiểu mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đang theo đuổi. Vì thế, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ phương án tăng lương năm 2019 phải ở mức 8% căn cứ theo tình hình tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển kinh tế, kinh doanh phát triển; nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư mới. Khi doanh nghiệp phát triển thì NLĐ phải được hưởng lợi.
Thu nhập tăng, nhưng chưa đủ sống
Trước đó, ngày 12-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trong năm 2018.
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, đơn vị được giao nhiệm vụ khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động cho biết, sau 3 tháng tổ chức khảo sát với hơn 3.000 công nhân lao động tại các loại hình doanh nghiệp, kết quả cho thấy "bức tranh" tổng thể như sau: tiền lương cơ bản mà doanh nghiệp trả người lao động (nếu làm đủ ngày, giờ công) trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Và nếu tính thêm các khoản tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác thì tổng thu nhập trung bình của người lao động năm 2018 là gần 5,53 triệu đồng/tháng - tăng khoảng 1,4% so với năm ngoái.
Mức thu nhập có tăng lên cho thấy tiền lương của người lao động có chút cải thiện nhưng ông Vũ Quang Thọ lại nêu nghịch lý khi dẫn số liệu về mức chi tiêu trung bình của người lao động năm 2018, theo tính toán thì lên tới 7,38 triệu đồng/tháng. Đây là tính toán cho những khoản thu bắt buộc, không thể thiếu, tính theo giá cả năm 2018. Như vậy là "thu không đủ bù chi". Nếu không có biến động về việc làm thì có 32,1% người lao động cho biết sẽ dành lại được một khoản tiền tiết kiệm trung bình 1,5 triệu đồng/tháng từ lương và thu nhập. Nhưng lại có tới 43,7% người lao động cho biết thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% không đủ sống. Vì vậy, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho rằng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 8% cho năm 2019 là cần thiết để đảm bảo đời sống cho người lao động. Nếu không tăng thì đến năm 2020, công đoàn sẽ đề xuất mức tăng là 20%, liệu doanh nghiệp có chịu được không?
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã gửi công văn tới Bộ LĐTB-XH đề nghị hạn chế tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Dẫn chứng về phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Á, trong đó có tới 75,2% doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI, cho rằng mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc. Tăng lương sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.
Người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, trong bối cảnh hiện nay, quả là không dễ dàng với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, khi tỷ giá những ngày qua liên tục phá đỉnh. Trong khi mức thu nhập không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, nhiều người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Vì vậy, các phương án tăng lương tối thiểu sẽ được nâng lên đặt xuống, tính toán chặt chẽ nhưng lương tối thiểu chắc chắn sẽ phải tăng trong năm 2019.
Bình luận (0)