Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Hội Liên hiệp Phụ nữ và BHXH TP HCM tổ chức mới đây, các phương án giải quyết chế độ BHXH một lần cho người lao động (NLĐ) được nhiều đại biểu quan tâm.
Chưa an tâm
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi hiện tại đưa ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án 1, NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật có hiệu lực thi hành được rút BHXH một lần như quy định hiện hành. Phương án 2, NLĐ đóng BHXH chưa đủ 20 năm và không tham gia tiếp BHXH thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM - mục tiêu BHXH là an sinh xã hội cho toàn dân, song trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại NLĐ gặp nhiều khó khăn do các lý do chủ quan, khách quan dẫn đến muốn rút BHXH một lần. Do vậy, nếu quyết định lựa chọn phương án 2 thì cần cân nhắc kỹ vì có khả năng NLĐ sẽ không đồng tình hoặc phản ứng lại chính sách.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM
Tiến sĩ Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ trí thức TP HCM, cho rằng nên lựa chọn phương án 1 để bảo đảm và tôn trọng quyền công dân khi không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và có dưới 20 năm đóng BHXH. Trong khi đó, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận xét cả 2 phương án giải quyết BHXH một lần trong dự thảo đều chưa tối ưu.
"Trước đây luật quy định cho NLĐ hưởng BHXH một lần, nay nếu tước đi quyền của NLĐ sẽ rất dễ gây bức xúc nên cần có lộ trình. Nên chăng, từ năm 2025 trở đi vẫn giải quyết cho NLĐ rút BHXH một lần nhưng giảm tỉ lệ hưởng từ từ để NLĐ thích ứng. Chẳng hạn, năm 2025 giảm 10%, năm 2026 giảm 20%..." - ông Triều đề xuất.
Còn ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng khi pháp luật cho phép thì NLĐ có thể rút BHXH một lần nhưng cần cân nhắc kỹ, bởi BHXH một lần như một kiểu "bỏ ống heo" để khi về già NLĐ có khoản để chi tiêu. Tuy nhiên, hiện nay NLĐ xem đây là khoản tiền trước mắt và có thói quen cứ nghỉ việc là rút ra trong khi thực tế nếu không rút BHXH một lần, NLĐ vẫn có khả năng tìm việc làm mới và tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống.
Cũng có một bộ phận NLĐ cho rằng nguyên nhân rút BHXH một lần vì lương hưu thấp nhưng nếu phân tích kỹ thì lương lưu thấp một phần cũng vì NLĐ cứ làm, nghỉ, rút BHXH một lần sau đó quay lại làm việc với mức lương khởi điểm, đóng BHXH ở mức thấp.
"Theo tính toán của các chuyên gia thì một NLĐ nhận lương hưu khoảng 5 năm đã bằng tổng số tiền nhận BHXH một lần. Từ năm thứ 6 thì tiền lương hưu NLĐ nhận được cao hơn tiền rút BHXH một lần, ngoài ra người hưởng lương hưu còn có BHYT trọn đời, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí... Hưởng lương hưu chắc chắn có lợi hơn việc rút BHXH một lần" - ông Hà phân tích.
Tăng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Điều 75 dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định: NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đối với trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng quy định này chưa công bằng với NLĐ nghỉ hưu khi đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH nhiều hơn số năm hưởng tỉ lệ hưu tối đa 75%. Bởi nếu so với chế độ trợ cấp BHXH một lần (1,5 - 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH) và trợ cấp hưu trí một lần đối với NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng vẫn tiếp tục đóng BHXH (2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%) thì quá chênh lệch.
"NLĐ sẽ so sánh và chọn hướng có lợi hơn, đó là rút BHXH một lần khi còn trẻ, sau đó tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Nhằm tạo sự công bằng và hạn chế rút BHXH một lần thì cần tăng mức trợ cấp hưu trí cho NLĐ đóng BHXH vượt mốc thời gian để hưởng lương hưu tối đa 75%" - ông Cường đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Triều cũng cho rằng với trợ cấp 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng vượt mức hưởng lương hưu tối đa sẽ không khuyến khích NLĐ tham gia BHXH lâu dài. Do vậy, cần xem xét nâng mức trợ cấp hưu trí một lần bằng với mức hưởng BHXH một lần, tức 2 tháng lương.
Ông Trần Dũng Hà cũng đồng tình với đề xuất tăng khoản trợ cấp này. "Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là cách gián tiếp khuyến khích NLĐ đóng BHXH lâu dài để hưởng lương hưu cao nên cá nhân tôi cũng đồng tình với đề xuất nên tăng thêm mức hưởng để khuyến khích người tham gia. Mức tăng có thể là 1 hay 2 tháng lương tùy vào khả năng chi trả của Quỹ BHXH và quyết định của Quốc hội" - ông Hà nói.
Quy định chưa phù hợp thực tiễn
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng cần xem xét lại quy định về điều kiện tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điều 28 dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Theo dự thảo, người không có lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng khác mà ở độ tuổi từ 75 tuổi trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong khi đó, theo thống kê gần đây nhất của Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là khoảng 73 tuổi. "Ban soạn thảo nên dựa vào các chứng cứ, thống kê, báo cáo... để có mốc chính xác và đưa ra các quy định phù hợp thực tiễn hơn" - bà Tuyết đề nghị.
Bình luận (0)