Trình bày Tờ trình dự án luật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết Luật CĐ được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động CĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật CĐ.
Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật CĐ hiện hành; quy định cụ thể hơn về hệ thống tổ chức của CĐ Việt Nam tại điều 7 theo hướng: CĐ Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm: cấp trung ương là Tổng LĐLĐ Việt Nam; cấp tỉnh, ngành trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở. Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định về từng cấp CĐ.
Các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật CĐ; đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này một mặt phải thể chế các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trực tiếp liên quan đến giai cấp công nhân và quan hệ lao động trong tình hình mới, bảo đảm sự đồng bộ với Bộ Luật Lao động 2019; mặt khác phải làm cho tổ chức CĐ mạnh lên đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người lao động, của thị trường lao động và thực sự góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Bình luận (0)