Trong hành trình thực hiện giấc mơ, tưởng chừng như xa vời - xây nhà ở miễn phí cho công nhân (CN), có người viện đủ lý do đố kỵ, cũng phải thừa nhận ông chủ doanh nghiệp này "chăm lo cho CN thiệt"…
Nhà trẻ kề bên xưởng
Thăm nhà máy của Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (xã Trung An, TP Mỹ Tho, Tiền Giang), vốn nổi tiếng hơn 15 năm nay với nhiều sản phẩm đã được ông Phạm Văn Tứ - Giám đốc công ty - mang sang bán bên trời Tây như: Bánh tráng, hủ tiếu, bánh hỏi, bún tươi... - những món ăn quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhà trẻ dành cho con em CN đặt ngay trong khuôn viên nhà máy rộng chỉ cỡ 3ha. Nhà trẻ chăm sóc hơn 100 cháu (từ 6 tháng đến 2 tuổi), là con của các CN (trong tổng số hơn 1.600 CN) đang làm việc tại nhà máy.
Ông Tứ nói: "Thấy nhiều chị em CN nuôi con bằng sữa mẹ; hàng ngày, do phải đi làm, họ phải vắt sữa mẹ rồi gửi trong tủ lạnh nơi nhà trọ dành cho con bú… Như vậy hết sức nguy hiểm, đâu còn gì là sữa mẹ nữa. Nên tôi quyết định xây dựng nhà trẻ kề bên xưởng CN làm việc, chỉ cách vài chục thước đi bộ. Hàng ngày, CN đi làm và gửi con ở đây, tranh thủ nghỉ trưa, các bà mẹ có thể tạt qua cho con bú. Vừa yên tâm làm việc vì con gần bên, chiều về ghé rước con luôn, tiện đủ điều. Công ty chật chội một chút, nhưng mang lại sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc cho CN cho các cháu là tôi vui rồi".
Nhà trẻ rộng gần 1.000 m2, có thể chăm sóc hơn 150 cháu vẫn còn dư. Nhà trẻ được xây dựng trên tầng 1 của khu văn phòng, với đầy đủ tiện nghi sạch sẽ, có khu vui chơi, khu ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, cùng vô số đồ chơi cho các cháu…
Nhà ăn dành cho công nhân Cty Thuận Phong. Ảnh: C.H
Theo chị Nguyễn Thị Kim Hằng - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Thuận Phong: "Năm 2013, lúc nhà trẻ mới ra đời, chưa có quy định nào cho phép trong công ty có nhà giữ trẻ. Vì vậy, phòng giáo dục xuống kiểm tra, chúng tôi giải thích do nhu cầu, nên công ty tự tổ chức giữ trẻ giúp CN thôi, không thu tiền bạc gì cả. May mà sau đó, chính sách nhà nước khuyến khích, nên mọi việc suôn sẻ. Hiện nhà trẻ có 10 cô bảo mẫu chăm sóc cho các cháu. Mỗi cháu được chăm sóc, bố mẹ chỉ phải đóng 200.000 đồng tiền ăn trưa, mua sữa… Riêng chi phí lương bổng cho 10 cô bảo mẫu, đều do Công ty Thuận Phong chi trả. Coi như tiền công chăm sóc các cháu, Công ty Thuận Phong bao hết, các CN gửi con ở nhà trẻ không tốn kém đồng nào".
Chị Nguyễn Thị Bé Ba - CN Công ty Thuận Phong - nói: " Nói thiệt, nhờ nhà trẻ kề bên nhà máy, vợ chồng tôi không còn lo lắng chuyện đưa đón con đi nhà trẻ như trước đây nữa, lại không mất tiền. Chứ bây giờ, gửi trẻ ở các cơ sở tư nhân, tốn không dưới 2 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vô cùng biết ơn Công ty Thuận Phong". Ông Tứ vui vẻ tiết lộ, năm tới, Công ty Thuận Phong sẽ mở thêm 2 nhà giữ trẻ nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu…
Tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động
Chúng tôi lại tiếp tục được ngạc nhiên và ấn tượng khi tham quan hai nhà máy của Công ty Thuận Phong (tại KCN Mỹ Tho và ở xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bởi ở đây có những điều đơn giản thường bị bỏ qua ở nhiều công ty khác, nhưng lại được chú trọng đến từng chi tiết: Khu nhà ăn của CN sạch sẽ, mát mẻ dễ chịu. Hàng trăm CN đang ăn trưa, với bữa ăn có đầy đủ thịt, cá, rau, canh… Xung quanh, mọi thứ đều bóng loáng, từ nền gạch men trắng tinh khôi cho đến bàn, ghế inox sáng choang. Thay vì tiết kiệm điện, chạy bằng quạt công nghiệp, Công ty Thuận Phong trang bị hàng chục máy lạnh lắp trên trần nhà ăn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và ông Phạm Văn Tứ (phải) - Giám đốc Công ty Thuận Phong, tại khu đất sẽ được tỉnh Bến Tre giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân
Ông Nguyễn Văn Phòng - Giám đốc điều hành Công ty Thuận Phong - cho biết: "Ở đây, chúng tôi coi như một gia đình. Không có chuyện phân biệt chủ - thợ. Công ty lo toàn bộ bữa ăn trưa đạt chất lượng cho CN. Nhà ăn không chia theo khẩu phần, mà dọn theo bàn từ 5 - 10 CN. Mọi người ăn đến lúc nào no thì thôi. Hết cơm, hết thức ăn, gọi thêm… Ai muốn thêm thức ăn, thức uống khác, ngoài các món chính, thì mua ở căng-tin, với giá phải chăng".
Ông Tứ bật mí: "Công ty không đòi hỏi CN phải có trình độ cao. Mục đích là tạo việc làm cho bà con ở quê, nên tôi nhận người vào làm việc tối đa. Miễn ai cũng chăm chỉ, quen tay là làm được hết. Hàng ngày, công ty cũng không khắt khe giờ giấc. Có CN ăn trưa xong, làm nửa buổi thấy đói bụng, lại vào nhà ăn hỏi còn cơm không… Còn cơm, lại ăn cho no. Ăn xong, trở ra làm tiếp". Công ty Thuận Phong còn xây dựng hẳn khu nghỉ trưa cho cả ngàn CN. Khu nghỉ này cũng được trang bị máy lạnh mát mẻ, chu đáo…
Chị Nguyễn Thị Kim Hằng, Chủ tịch CĐ Công ty Thuận Phong, cho biết: "Không chỉ chăm lo tốt đời sống của hơn 1.600 CN, công ty còn tạo điều kiện tối đa cho tổ chức CĐ hoạt động. CĐ Công ty Thuận Phong có nguồn quỹ tương đối lớn. Chúng tôi gửi tiết kiệm lấy lãi dùng cho hoạt động. Một phần trích ra mua 2 chiếc xe dùng chở thuê cho công ty. Một phần đầu tư bán căng-tin… Nhờ vậy, quỹ CĐ luôn luôn có đồng ra đồng vô… Hàng tháng, trừ các chi phí, quỹ CĐ Công ty Thuận Phong vẫn dôi dư cả trăm triệu đồng bổ sung vào quỹ". Ở Công ty Thuận Phong, con của CN học đại học được công ty tài trợ 10 triệu đồng/năm; còn CN khi đám cưới được công ty tặng 20 triệu đồng.
Chưa xây xong nhà máy, đã mơ… nhà ở cho CN
Tháng 8-2016, Công ty Thuận Phong vừa hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất các sản phẩm từ trái dừa, tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Dù chưa xây dựng xong nhà máy trị giá 500 tỉ đồng; thế nhưng, Công ty Thuận Phong đã xin UBND tỉnh Bến Tre cho thuê trên 16.400m2 đất để xây dựng khu nhà ở cho CN. Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre - nói với chúng tôi: "Lãnh đạo tỉnh hết sức trân trọng tấm lòng của anh Ba Tứ (tức ông Phạm Văn Tứ) - chủ Công ty Thuận Phong. Ai đời nhà máy chưa xây dựng xong, chưa lấy được đồng lợi nhuận nào đã nằng nặc gửi đơn xin chính quyền cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho CN.
Điều đáng nói, ổng xây nhà mà không thu đồng bạc nào của NLĐ. Nghĩa là chung cư mọc lên, CN cứ vô ở, miễn phí hoàn toàn, không cho thuê, chẳng bán buôn chi hết… Hiện nay, khi mà vô số doanh nghiệp chỉ chăm chăm lợi nhuận cho mình, thì Công ty Thuận Phong lại làm thay nhà nước và xã hội, tạo điều kiện cho NLĐ có chỗ ở, quả là quý hiếm. Lãnh đạo, chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre hết sức trân quý nghĩa cử trên của Công ty Thuận Phong, nên chỉ trong thời gian rất ngắn, không quá 3 tháng từ khi có chủ trương của tỉnh, chúng tôi đã hợp đồng cho Công ty Thuận Phong thuê dài hạn hơn 16.400m2 đất để xây dựng nhà ở miễn phí cho CN".
Gặp chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Không ngại trời mưa tầm tã, chị đưa chúng tôi ra tận khu đất mà sắp tới, chính quyền sẽ thu hồi và giao cho Công ty Thuận Phong xây dựng nhà ở cho CN. Chị Nga nói: "Từ ngày Công ty Thuận Phong đầu tư về đây, địa phương "xôm tụ" hẳn lên. Người dân có việc làm, đất đai cũng sôi giá sùng sục… Không chỉ 16.400m2 đã được tỉnh ký hợp đồng cho thuê, hiện Công ty Thuận Phong đang tiếp tục đề nghị chúng tôi cho thuê thêm 2ha đất liền kề. Trên khu này hiện có một số nhà dân, thuộc khu dân cư…
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) xây nhà ở cho CN, chúng tôi thống nhất quan điểm là "bàn vô, chứ không nói ra". Nghĩa là vướng chỗ nào thì chính quyền điều chỉnh, gỡ giúp DN. Huyện Châu Thành đang có phương án điều chỉnh quy hoạch, trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt, thực hiện thủ tục nhanh, gọn, đúng quy định… Mục đích là bằng mọi cách có đất để Công ty Thuận Phong xây dựng nhà ở cho CN. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhằm xây dựng giai cấp CN vững mạnh".
"Xưa, tôi từng đi làm thuê. Nay, nhờ hàng ngàn CN tôi mới được như ngày nay. Vì vậy, tôi hứa với lòng mình: Phải lo cho người CN, không được phép quên họ. Xây nhà ở cho CN, hiện là giấc mơ của tôi, nhưng tôi quyết sẽ biến giấc mơ đó thành hiện thực"- ông Phạm Văn Tứ, bộc bạch.
Bình luận (0)