Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về AT-VSLĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. So với giai đoạn 2011-2015, tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người giai đoạn 2016-2020 giảm 16,99%. Số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN) là 960.089, chiếm tỉ lệ 43,68% tổng số mắc nguy cơ. Ngoài ra, có trên 4.500 doanh nghiệp (DN) được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý AT-VSLĐ, trong đó có trên 445 DN được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý AT-VSLĐ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về AT-VSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Khó triệu tập người làm công tác AT-VSLĐ, người sử dụng lao động tham gia các lớp huấn luyện; công tác tư vấn, hỗ trợ người làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia phòng chống TNLĐ khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ chưa đạt hiệu quả cao.
Hội nghị cũng kiến nghị một số mục tiêu và giải pháp thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Duy trì mục tiêu giảm 5% tần suất TNLĐ, tần suất TNLĐ chết người; hỗ trợ DN vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý AT-VSLĐ, khám phát hiện BNN; bảo đảm 100% số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có TNLĐ, BNN thực hiện báo cáo TNLĐ, BNN; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)