Đây là sự kiện thường niên do nước chủ nhà ASEAN tổ chức nhằm thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động (NLĐ) di cư. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức cuộc họp chuẩn bị cho diễn đàn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, lao động di cư là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. NLĐ di cư đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho cả nước phái cử và nước tiếp nhận. Nhận thức được vai trò của di cư, các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ di cư và gia đình họ. Để bảo vệ NLĐ, các quốc gia đang xem xét các tác động của đại dịch để có biện pháp hỗ trợ lao động di cư.
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Hiện có trên 560.000 NLĐ đi làm việc có thời hạn tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch Covid-19 khiến lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đối diện nhiều khó khăn như: bị giảm giờ làm, phải nghỉ làm, thậm chí mất việc. Lệnh hạn chế di chuyển của chính phủ các nước tiếp nhận nên NLĐ buộc phải nghỉ làm, ở trong ký túc xá khiến thu nhập giảm sút.
Tình trạng hạn chế các chuyến bay quốc tế, khiến nhiều lao động hết hạn hợp đồng hoặc bị chủ sử dụng chấm dứt hợp đồng bị kẹt lại không thể về nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp không đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các vùng có dịch; làm việc với cơ quan đại diện của nước tiếp nhận về các biện pháp hỗ trợ lao động Việt Nam ở nước ngoài về giải pháp đối với những lao động hết hạn visa, hợp đồng chưa thể về nước.
Bình luận (0)