Góp ý về vấn đề thời gian làm việc trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội (QH) mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu người lao động (NLĐ) làm việc từ 40 giờ/tuần trở lên sẽ không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất lao động không tăng. "Ở Việt Nam có hai nhóm lao động: Làm cho nhà nước thì làm 5 ngày/tuần, còn lao động làm cho doanh nghiệp (DN) thì 6 ngày/tuần. Điều này là không bình đẳng. Ở các nước khác, không có luật lao động nào lại tách riêng công chức làm 8 giờ còn công nhân (CN) làm 10 giờ. Họ chỉ có một quy định chung. Chỉ có Việt Nam mới có chuyện phân biệt như thế này" - đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ.
Mong có thời gian chăm sóc con cái
Tổng hợp ý kiến của các đoàn ĐBQH trước kỳ họp cũng cho thấy 18 đoàn có ý kiến đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Đây là xu hướng tiến bộ, đồng thời nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì được sức khỏe, tái tạo sức lao động của NLĐ, giúp họ có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Đa số công nhân mong muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc cho gia đình Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn CN bày tỏ nguyện vọng được nghỉ thêm ngày thứ bảy để hồi phục sức khỏe, chăm sóc gia đình, thậm chí chấp nhận hưởng lương thấp hơn. Chị Nguyễn Thị Thúy, CN một DN giày da tại KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), thổ lộ: "Xa quê kiếm sống, ngoài mong muốn tích lũy cho tương lai, CN ngoại tỉnh cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và học tập nâng cao trình độ. Thế nhưng, công việc hiện tại cứ cuốn tụi em vào vòng xoáy cơm áo, gạo tiền, rất khó lòng thực hiện những ước mơ tưởng chừng đơn giản nhất. Do vậy, nếu có thêm ngày nghỉ, CN sẽ phấn khởi hơn".
Chị Nguyễn Thị Nhanh, CN Công ty TNHH May mặc B.K (KCN Đồng An, tỉnh Bình Dương), cũng mong mỏi QH xem xét giảm giờ làm cho CN từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần. "Làm việc quần quật mà chỉ có 1 ngày nghỉ/tuần là quá ít, rất khó lòng giúp CN tái tạo sức lao động. Cũng là NLĐ nhưng tại sao có nơi làm 40 giờ, có nơi lại 48 giờ/tuần, rõ ràng đây là sự bất công" - chị Nhanh nhận xét.
Góp ý vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho rằng trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, bình đẳng trong xã hội là vấn đề cần ưu tiên. Vì vậy, QH cần xem xét làm sao để NLĐ trực tiếp sản xuất có thời gian chăm lo cho gia đình, con cái, cũng như tái tạo sức lao động.
"Khi có sự bình đẳng như vậy, NLĐ sẽ nhận thức rõ hơn và có trách nhiệm tăng năng suất lao động, cũng như phấn đấu và đóng góp tích cực cho DN ngày càng phát triển" - ông Tài khẳng định.
Tăng ca nhiều, tuổi nghề ngắn lại
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (từ 300 giờ lên 400 giờ/năm), đến thời điểm này, nhiều ý kiến ĐBQH và đoàn ĐBQH đề nghị giữ khung thỏa thuận hiện hành (không quá 300 giờ/năm).
Chị Trần Thị Ngọc Oanh, Công ty TNHH Freetrend - KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết không chỉ CN ở công ty chị mà rất nhiều CN ở các DN khác cũng xem tăng ca là thu nhập chính. CN nào cũng muốn tăng ca. DN nào không tăng ca thì CN không muốn vào làm. Điều đó tưởng như nghịch lý nhưng lại là sự thật. Nghịch lý này tồn tại là vì thu nhập của CN quá thấp.
"70% CN là người nhập cư. Hằng tháng, chúng tôi còn phải trả tiền thuê nhà, điện nước, con cái học hành, phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ. Vì thế, chúng tôi phải tăng ca, nếu không sẽ khó trụ lại TP. Nhưng chính vì tăng ca quá nhiều, chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái và hoàn toàn không có thời gian để vui chơi, giải trí. Vì thế, chúng tôi rất mong QH, các ĐB hãy quan tâm đến CN, làm thế nào để CN sống được, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, đặc biệt là có thời gian chăm sóc gia đình" - chị Oanh bày tỏ.
Chị Hà Thị Nhớ - quê Sóc Trăng, CN Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức) - nhìn nhận: "Tăng ca giúp CN có thêm thu nhập, song nếu tăng nhiều quá thì sức khỏe CN sẽ suy kiệt, tuổi nghề vì thế sẽ ngắn lại. Lo nhất là khi tuổi cao, không còn sức khỏe để tăng ca thì sẽ bị sa thải".
Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Pousung Việt Nam (tỉnh Bình Dương), do mức lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên CN vẫn phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Điều đó cho thấy họ không có sự lựa chọn nào khác.
"Thực tế, lao động phổ thông đến độ tuổi 40 đã có dấu hiệu suy giảm sức khỏe rõ rệt, năng suất lao động cũng suy giảm. Do vậy, thay vì đề xuất tăng giờ làm thêm, ban soạn thảo nên tính toán các giải pháp phù hợp để cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống cho NLĐ" - ông Trường kiến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Domex (KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức), cho rằng bảo đảm công bằng xã hội là điều ban soạn thảo nên tính đến khi xây dựng Bộ Luật Lao động - một dự luật có ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu lao động. Làm thêm giờ có thật sự giúp xã hội phát triển, giúp NLĐ có cuộc sống tốt hơn hay không thì chưa thấy có ai đánh giá nhưng hệ lụy thì rất rõ ràng, đó là sức khỏe NLĐ hao mòn, con cái thiếu thốn tình thương, không được chăm sóc đầy đủ.
"DN muốn phát triển nhưng thay vì đổi mới công nghệ hoặc thuê thêm nhân công thì họ lại vắt kiệt sức NLĐ và điều này đi ngược với xu thế tiến bộ của xã hội, đó là phải tăng lương và giảm giờ làm cho NLĐ. Đã là NLĐ thì phải được đối xử công bằng như nhau" - ông Phê góp ý.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Giúp người lao động có thêm cơ hội học tập
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây đã xếp Việt Nam vào nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới nhưng năng suất lao động lại khá thấp. Vậy nếu giữ nguyên giờ làm như hiện tại và mở rộng khung giờ làm thêm tối đa thì liệu năng suất lao động có tăng? Hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định điều đó.
Từ thực tế ở một số nước và DN, tôi cho rằng sức lao động và thời giờ làm việc của NLĐ chỉ đóng góp một tỉ lệ nhỏ nhằm tạo nên năng suất và hiệu quả lao động; còn lại phụ thuộc vào các yếu tố khác như trình độ quản lý, khoa học công nghệ, chất lượng lao động... Chẳng hạn, Nhật Bản họ chọn con đường tạo áp lực để DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị nhằm giải bài toán năng suất, chứ không trút gánh nặng lên NLĐ và thực tế năng suất của nước họ khá cao.
Do vậy, việc giảm giờ làm cho NLĐ là cần thiết để DN chọn hướng cải tiến máy móc, đổi mới công nghệ và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm cải thiện năng suất lao động. Việc giảm giờ làm cũng sẽ giúp NLĐ có thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ để cống hiến cho DN.
Bình luận (0)