Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Đây là một trong nhiều nội dung về ngân sách được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ QH diễn ra sáng nay 16-10.
Theo báo cáo thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016-2020), tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm (6.864 ngàn tỉ đồng). Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Về chi ngân sách 3 năm 2016-2018, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho biết ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm (8.025 ngàn tỉ đồng). Tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỉ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ quan tâm, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ.
Việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định, vướng mắc trong thực hiện một số khoản chi thường xuyên có tính chất xây dựng cơ bản, không giải ngân được và cũng không thể chuyển nguồn theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, làm lãng phí nguồn lực.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm cũng là vấn đề cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng lưu ý việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách nhà nước.
"Việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách nhà nước bền vững và chắc chắn" - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho biết theo số liệu báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm việc tinh giản biên chế mới đạt 1,09% là thấp so với mức tối thiểu 10% đến năm 2021. Do đó cần tính toán và dự liệu cụ thể trong mối quan hệ tác động đến chi lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, sớm cụ thể hóa lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về "cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bình luận (0)