Không chỉ TP HCM, hầu như tại các địa phương khác, lời than vãn về tiền lương công chức luôn diễn ra. Cuộc sống đắt đỏ từng ngày, trong khi chế độ tiền lương chậm cải cách nên khó đáp ứng nổi. Thế nhưng, tại sao vẫn có rất nhiều người luôn muốn lao vào cơ quan nhà nước làm việc?
Việt Nam là một trong những quốc gia có đội ngũ hưởng lương từ ngân sách tính trên dân số thuộc diện cao nhất thế giới. Số tiền này ngày càng lớn, vượt quá sức chịu đựng của nguồn thu ngân sách. Câu chuyện cực kỳ cấp bách của bộ máy quản lý hành chính hiện nay là phải triệt để giảm biên chế, tiết kiệm tối đa các nguồn chi không sinh lợi. Trong bối cảnh này, một vấn đề khác càng làm tình hình thêm trầm trọng chính là nguồn thu từ các địa phương quá kém, không đủ nuôi bộ máy quản lý. Thực trạng trên đã trả lời thỏa đáng cho câu hỏi tại sao "làm công chức nhưng mẹ phải nuôi".
Cuộc sống công chức quá khó khăn nhưng đó đâu phải con đường duy nhất vào đời. Bao nhiêu cơ quan nước ngoài, hơn 600.000 doanh nghiệp và cả ngành nông nghiệp đang rất cần nhân lực có trình độ. Nhiều kỹ sư bỏ việc về làm nông nghiệp công nghệ cao hay những trí thức trẻ khởi nghiệp thành công ngày càng nhiều đó thôi!
Vào công chức không hề dễ. Nó thuận lợi, dễ dàng với một số người nhưng là điều không thể với phần đông người còn lại. Công việc ổn định, tính cạnh tranh không cao, có nhiều ưu đãi để tìm cơ hội thăng tiến… Thử hình dung, tuy lương thấp nhưng các lớp học nâng cao trình độ, thậm chí học thêm một ngành mới vẫn được tạo điều kiện thuận lợi. Nhiều vị trí công việc được đài thọ cả học phí lẫn chi phí học tập và hưởng lương. Trong công việc thường ngày có nhiều khoản thu nhập không tên. Người dân truyền miệng nhau: "Lương không đủ sống nhưng ai cũng sống khỏe. Than vãn nhưng hiếm có người tự nguyện nghỉ việc".
Trong hội thảo về cải cách tiền lương quốc gia mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi nêu thực trạng thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Một bộ phận cán bộ trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất đông công chức không chịu rời "bầu sữa ngân sách".
Còn nói về năng lực và hiệu quả làm việc cũng thật khó định lượng. Khi các cơ quan chức năng trung ương quyết liệt giảm biên chế thì điều đó đồng nghĩa trong bộ máy nhà nước còn khá nhiều người thừa.
Sức lao động là hàng hóa, nếu thấy mình đủ năng lực thì công chức trẻ hãy bán đúng giá!
Bình luận (0)