Ngày 9-7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về tăng lương tối thiểu(LTT), Tổng LĐLĐ Việt Nam– đại diện cho người lao động (NLĐ) đề xuất mức tăng 8%. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?
- Theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương năm 2008, phấn đấu đến năm 2018, tiền LTT vùng phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được là một trong những yếu tố cần xem xét trong đàm phán tăng LTT năm 2019. Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng 8% vì cho rằng từ nay đến 2020 – đạt 100% mức sống tối thiểu. Hiện nay, còn thiếu tới gần 10%, thì mỗi năm tăng 5% mức sống tối thiểu, tương đương 7 – 8% tăng lương. Vì vậy, phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra cần phải được Hội đồng Tiền lương quốc gia coi trọng vì không lùi được nữa, vì đến năm 2021 chúng ta đã bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Tuy nhiên, trái ngược với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho các doanh nghiệp (DN) đề nghị tăng LTT vùng năm 2019, cho dù hiện nay kinh tế có khởi sắc?
- Lý do VCCI đưa ra cũng có ý nghĩa thực tế, tức thời. Tuy nhiên, nhìn tổng thể sẽ gây hậu quả là không tạo được động lực về tiền lương để kích thích NLĐ tăng năng suất lao động, gắn bó với DN. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của DN cũng như hạn chế cơ hội khi họ tham gia các sân chơi lớn hơn. Vì yếu tố NLĐ tác động đến khả năng và cơ hội này là rất lớn, thậm chí quyết định. Hậu quả không mong muốn nữa là đời sống một bộ phận NLĐ trong các DN sẽ vẫn rất thấp, không đủ sống và có thể dẫn đến tranh chấp lao động, đình công diễn ra phức tạp hơn…
Trong phiên họp vừa qua, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra mức đề xuất tăng 5,3%. Ông có bình luận gì?
- Mức 5,3% được Bộ phận kỹ thuật đưa ra được tính trên trên cơ sở trượt giá cộng với tăng trưởng kinh tế. Nếu mức 5,3% được thống nhất thông qua sẽ cải thiện được một phần cuộc sống nhưng không lớn. Khi GDP năm 2018 tăng gần 7% mà mức tăng lương thấp như đề xuất sẽ không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế và DN. Tôi cho rằng, DN không sợ tăng LTTV. Bởi khi tiền lương NLĐ tăng thì có khi họ vẫn giữ nguyên tổng quỹ lương mà giảm các khoản hỗ trợ mềm có tính chất như lương. Điều họ lo lắng chính là phải tăng tiền đóng BHXH cho NLĐ so với trước đây.
Bàn về câu chuyện tiền lương, nhiều người nói mức tăng lương bình quân nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Quan điểm của ông về đề xuất điều chỉnh tăng LTT vùng như thế nào?
- Theo lý thuyết về tiền lương, ở tầm quốc gia, tốc độ tăng tiền lương bình quân phụ thuộc và không tăng vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hoặc tốc độ tăng GDP. Còn ở vi mô (cấp DN) tốc độ tăng tiền lương bình quân của lao động không cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động của DN tính theo giá trị gia tăng trên lao động của DN. Bởi vậy, nếu đề xuất tốc độ tăng tiền LTTV năm 2019 thấp hơn tốc độ tăng GDP là có thể chấp nhận được. Do đó, VCCI không đề xuất tăng là không có cơ sở, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 7 – 8% cũng cần phải cân nhắc kỹ vì năm 2019 khả năng GĐP đạt 7- 8% cũng chưa thể khẳng định.
Vậy theo ông, tăng LTT vùng mức nào để đời sống của NLĐ được cải thiện và DN không bị sức ép gánh nặng?
- Có hai yếu tố để tăng lương, trong đó, yếu tố cứng là quan trọng nhất: Đảm bảo bù trượt giá tiêu dùng và tốc độ tăng LTT vùng không vượt quá tốc độ tăng GDP của năm 2019. Yếu tố bổ sung là đảm bảo tiến độ đến trước năm 2021 tiền LTT vùng phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Đồng thời, cân nhắc kỹ tăng chi phí đầu vào (chi phí tiền lương, đóng BHXH) của DN do tăng LTT vùng, nhất là đối với DN nhỏ và vừa…
Do năm 2018 xu hướng kinh tế tăng trưởng khá có thể khoảng 7% hoặc cao hơn một chút sẽ tạo đà cho năm 2019 là yếu tố quan trọng để tăng LTT. Tôi nghĩ, với mức tăng LTT năm 2019 bằng với mức tăng của năm 2018 là 6,5% hoặc 7%.
Bình luận (0)