Nhiều ý kiến đề nghị tách riêng quy định nâng tuổi hưu của khối hành chính sự nghiệp
Khác nhau về lộ trình, cách thức
Sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cơ quan chủ trì xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã tiến hành lấy ý kiến người dân, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế ILO… Về cơ bản, tất cả đều thống nhất nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số và thực hiện tinh thần Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, lộ trình, cách thức còn nhiều ý kiến khác nhau.
Hiện cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề nghị trình Quốc hội một phương án tăng tuổi nghỉ hưu (trước đây trình hai phương án). Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.
Cùng với phương án này, cơ quan soạn thảo đề nghị Chính phủ quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các trường hợp đặc biệt khác thì được quyền nghỉ hưu sớm 5 năm, các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: “Hiện không chỉ người trong điều kiện nặng nhọc giảm 5 năm, có những trường hợp như công nhân ngành than hoặc người lao động bị nhiễm HIV/AIDS trong lúc đang làm việc được nghỉ hưu sớm trước 10 năm mà vẫn đảm bảo 75% lương.
Nếu chúng ta giải thích không rõ, những người lao động sẽ nghĩ họ phải làm việc tới tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết nội dung này. Nếu được thông qua, sẽ có 1.748 ngành nghề được nghỉ hưu sớm 5 - 10 năm mà vẫn được hưởng lương hưu tối đa".
Về câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, chị Trần Thị Hường, công nhân thủy sản trực tiếp sản xuất tại công ty CP Đồ hộp Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: "Công nhân ngành thủy sản rất vất vả, gần như phải đứng liên tục 8 tiếng/ngày, 48 tiếng/tuần, thường xuyên tiếp xúc với nóng và lạnh. Cho nên, người lao động không đủ sức khỏe để đảm bảo làm đủ thời gian như quy định hiện hành, chưa nói đến việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Thực tế tại công ty chúng tôi, những ai đủ tuổi đóng bảo hiểm 20 năm đều tìm đủ mọi cách xin về hưu sớm chứ không chờ đến đủ 55 tuổi”.
Tính toán lộ trình chậm hơn với lao động trực tiếp
Không đồng tình với việc "cào bằng" tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên hơn 1 triệu lao động các tỉnh, thành phố liên quan đến tăng tuổi hưu, có 49,3% người lao động được khảo sát đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng (với hơn 811.000 lao động), 50,7% không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ cả quyền và trách nhiệm của người lao động, tính đến các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.
Thừa nhận còn nhiều ý kiến khác nhau trong câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ban thẩm tra dự án luật cũng đã nhận được một số ý kiến đề nghị tách quy định nghỉ hưu của đối tượng khối hành chính sự nghiệp sang Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức để quy định rõ ràng theo lộ trình. Còn khu vực quan hệ lao động hay còn gọi là khu vực sản xuất kinh doanh thì quy định theo Bộ Luật Lao động.
Nếu theo phương án này Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ chỉ quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện lao động... có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm dần hơn, để tránh sốc cho thị trường lao động và tránh hiểu nhầm khu vực sản xuất, kinh doanh cũng tăng như công chức, viên chức.
“Có thể chúng ta phải tính toán lại, thiết kế phương án để khu vực sản xuất, kinh doanh bỏ qua giai đoạn 2021-2026. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động trực tiếp sẽ bắt đầu khi mà các điều kiện lao động đảm bảo hơn. Hoặc là đi theo cách như một số nước làm, mỗi năm tăng một tháng. Lộ trình chậm lại nhằm thay đổi điều kiện làm việc để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động khối sản xuất, kinh doanh” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu giải pháp.
Bình luận (0)