Góp ý vấn đề tuổi nghỉ hưu quy định ở Điều 169 tại phiên thảo luận Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) mới đây, theo đại biểu Trần Kim Yến (TP HCM), vào khoảng 30 - 50 năm trước, mỗi gia đình có 4 - 5 người con, thậm chí là 9 - 10 người con là điều kiện hết sức bình thường, phải chăng chính vì điều đó đến nay chúng ta mới có một lực lượng lao động khá dồi dào, mới có giai đoạn dân số vàng như hiện nay. Nhưng thực tế hiện nay, có một bộ phận bạn trẻ không quan tâm đến việc lập gia đình hoặc nếu có lập gia đình thì cũng không sinh con, hoặc nếu sinh con cũng chỉ 1 con, tỷ lệ phụ nữ sinh 2 con hiện nay rất ít, thay vào đó là nuôi thú cưng để bầu bạn và xu hướng này đang có chiều hướng tăng lên.
"Như vậy, với tỷ lệ sinh ít con như hiện nay dự báo xu hướng già hóa dân số là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. Chính vì điều đó, tôi thống nhất với Chính phủ về đề xuất tăng tuổi hưu. Tuy nhiên, như với đề xuất từ kỳ họp thứ 7, tôi vẫn mong muốn là phải có 1 phụ lục về danh mục nghề nghiệp cần tăng và mỗi một nghề nghiệp cần tăng cũng có lộ trình khác nhau, vì đặc thù, vì tính chất, vì môi trường, vì điều kiện lao động. Nếu tăng tuổi hưu đại trà, tức là ngành nghề nào cũng tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, tôi nghĩ rằng rất khó khăn và sẽ không đạt được sự đồng thuận của xã hội, có lẽ sẽ quá sức chịu đựng đối với một số ngành nghề, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động", đại biểu Trần Kim Yến nêu vấn đề.
Góp ý cho vấn đề này, bạn đọc có nickname Butthep đưa ra một số ý kiến đáng suy gẫm. Đó là, cần có cuộc thăm dò dư luận bằng việc lấy ý kiến của người lao động (NLĐ) trong tổ chức Công đoàn (CĐ) hiện nay để có số liệu xác đáng khi quyết sách một vấn đề lớn liên quan đến toàn xã hội, Thứ 2 là nên xem xét giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, nếu ai có nhu cầu lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi 62 với nam và 60 đối với nữ. Trong trường hợp NLĐ không còn khả năng lao động thì cho nghỉ sớm nhưng không trừ % như hiện nay nếu đã đủ năm đóng bảo hiểm. Thứ 3, nên xem xét liệu có công bằng không khi thừa năm công tác nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu lại trừ 2% mỗi năm là không hợp lý, bởi điều đó không khuyến khích người đóng bảo hiểm sớm và cũng không công bằng.
Ảnh mang tính minh họa
Bạn đọc Hà Minh Tuệ, bày tỏ: "Tôi ủng hộ nên tăng tuổi nghỉ hưu cho những người tham gia BHXH từ năm 2020. Việc tăng năm đóng BHXH từ 25 lên 30 năm đối với nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với nam là quá thiệt thòi rồi. Luật phải có tính ổn định, không thể cào bằng hoặc thích tăng là tăng".
Tương tự, bạn đọc tên Kiên cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu áp dụng có sổ hoặc nộp BHXH 2020 là đúng. Hiện giờ những NLĐ đã yếu và suy giảm, có làm việc hiệu quả khi tăng tuổi nghỉ hưu? "Thời thế nào cũng thay đổi đúng là vậy nhưng hãy nhìn thực tế để hiểu rõ nhân lực, kết quả làm việc, chất lượng sản phẩm, tư duy tiên tiến... Để đất nước phát triển bền vững" -bạn đọc này góp ý.
Bình luận (0)