Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua về Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học của đề xuất tăng tuổi hưu của nữ lên 60 và 62 đối với nam, đồng thời phân tích rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động toàn diện, thận trọng trên nhiều khía cạnh. Cụ thể, tuổi thọ và tuổi thọ mạnh khỏe, đặc thù lao động Việt Nam chủ yếu là lao động giản đơn, thủ công, hao tốn sức lực, các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu do thiếu hụt lao động trong khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động...
Theo các đại biểu Quốc hội, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, công tác quy hoạch cán bộ, cơ hội giải quyết việc làm cho lao động trẻ, nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi... Do vậy, cần lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động theo từng nhóm cụ thể…khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ).
Người lao động ở ta nam 60, nữ 55 đa số là sức khỏe không tốt
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao động, nhiều bạn đọc cũng có cùng suy nghĩ này. Bạn đọc Ngọc Anh, bày tỏ: "Cứ hở ra là so sánh với nước ngoài. Người lao động (NLĐ) ở ta nam 60, nữ 55 đa số là sức khỏe không tốt, có người chưa kịp nhận sổ đã ra đi. Nên giữ nguyên như hiện nay. NLĐ khi chuẩn bị nghỉ hưu thì cơ quan, tổ chức nên đặt vấn đề NLĐ có cần làm thêm không thì tiếp tục vừa nhận lương hưu vừa làm thêm để có thu nhập, không thì thôi. Đồng quan điểm, bạn đọc tên Huy cũng bày tỏ thái độ không đồng tình. "Thể lực và mức sống người Việt Nam không so với thế giới được. Tôi đồng tình không nên tăng tuổi nghỉ hưu" – bạn đọc này góp ý.
Theo bạn đọc có nickname Lubu, ban soạn thảo hãy lấy số liệu thống kê dân số mới nhất 2019 làm căn cứ, xem tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới là bao nhiêu tuổi. Ở góc độ về giới, bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng Mai, trăn trở: "Phụ nữ sinh đẻ nhiều, ở Việt Nam chăm sóc nhà cửa con cái chính là người mẹ, nhiều áp lực và stress trong cuộc sống, nếu là công nhân trực tiếp sản xuất còn phải cực khổ hơn do phải làm ca. Nên xem xét cho chúng tôi nghỉ hưu 55 tuổi thay vì 60 tuổi".
Thể lực và mức sống người Việt Nam không thể so với thế giới
Bạn đọc tên Tuong thì cho rằng mục đích của tăng tuổi hưu là để giảm chi trả BHXH. Nhưng khi giải thích cho việc này thì ban soạn thảo lại vòng vo nào là thời kỳ dân số vàng sắp qua, nào là khuyến cáo của ILO, nào là tuổi thọ tăng ... "Theo tôi nên tăng tuổi hưu cho những người bắt đầu tham gia BHXH từ 2021 trở đi là phù hợp"- bạn đọc này góp ý. Cùng một góc nhìn trên, bạn đọc Phạm Hoan viết: "Kéo dài thời gian làm việc đồng nghĩa với thời gian hưởng lương lương hưu ngắn lại. Ai là người có lợi? NLĐ hay BHXH?
Nhiều bạn đọc kiến nghị Ban soạn thảo luật hãy xuống và lắng nghe ý kiến của những người đang lao động trực tiếp mới thấu hiểu rõ nguyện vọng của họ. "Xin hãy căn cứ vào cả số năm đóng BHXH của NLĐ. Nếu chỉ căn cứ vào tuổi mà không có qui định rõ: NLĐ nặng nhọc và độc hại, người suy giảm sức khoẻ khi đã đóng BHXH được 30 năm thì dù có về hưu sớm vẫn đượcc hưởng 75% lương hưu thì sẽ thiệt thòi cho những người tham gia lao động và đóng BHXH sớm. Vì cứ thiếu một tuổi NLĐ lại bị trừ 2% lương hưu . Vậy thi lương của những nguoi nghi sớm sẽ rất thấp"- một bạn đọc viết.
Riêng bạn đọc Minh Thảo bày tỏ lo lắng: "Ban đầu mình và nhiều bạn làm chung công ty có cùng suy nghĩ là sẽ cố gắng làm đóng BHXH để sau này về già có được đồng lương hưu đỡ con cháu. Nhưng khi nghe nói sắp tăng tuổi nghỉ hưu thì suy nghĩ của mình và các bạn lại có chiều hướng ngược lại. Chắc làm tới đâu hay tới đó rồi lãnh BHXH 1 lần lấy 1 cục cho an phận thôi chứ chắc không đủ sức khỏe để làm tới lúc được hưởng lương hưu đâu. Mà lúc đó cũng không còn được hưởng bao lâu nữa".
Bạn đọc có nickname lamht1, góp ý nhẹ nhàng: "Tăng tuổi nghỉ hưu phải phân biệt cho rõ ràng lao động có mấy loại. loại nào nên nghỉ sớm loại nào được nghỉ muộn chứ không vơ đũa cả lắm với nhóm CCVC và Hành chính sự nghiệp được. Hãy để cho các lao động trẻ học xong ra trường được lao động và cống hiến sức trẻ"
Hai phương án tăng tuổi hưu
Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Bình luận (0)