Trao đổi bên hành lang Quốc hội với phóng viên Báo Người Lao động về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch LĐLĐ TP HCM) bày tỏ không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đã trình.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động tại TP HCM, hầu hết các ý kiến từ nhóm công nhân (CN) trực tiếp sản xuất đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu và không đồng tình với giải trình của Chính phủ về lý do tăng tuổi hưu của người lao động (NLĐ) để tránh tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số trong vòng 20 năm tới.
Chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho rằng theo Hiến pháp năm 2013, lao động là quyền của công dân, nghiêm cấm cưỡng bức lao động. Bộ Luật Lao động hiện hành cũng như dự thảo bộ luật đều quy định về NLĐ cao tuổi, cụ thể: "Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động (NLĐ) cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới ". Do đó, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và NLĐ đảm bảo sức khỏe thì vấn đề làm việc sau khi nghỉ hưu là không trái với quy định, việc già hóa dân số không ảnh hưởng đến quyền làm việc của NLĐ nếu họ vẫn đủ sức khỏe và người sử dụng lao động thực sự có nhu cầu.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Ảnh: Văn Duẩn
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giải trình lý do tăng tuổi nghỉ hưu do hiện nay tuổi nghỉ hưu phổ biến trên thế giới là trên 60 tuổi đối với nữ và trên 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng Chính phủ chưa đưa ra được các dẫn chiếu, tương quan về ngành nghề, công việc mà người lao động các nước có độ tuổi nghỉ hưu trên 60 tuổi với nữ và trên 62 tuổi với nam để so sánh với trường hợp NLĐ tại Việt Nam.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật đã trình, vì qua hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động, hầu hết công nhân (CN) trực tiếp sản xuất đều không đồng ý
Ý kiến tâm huyết này của người đứng đầu tổ chức Công đoàn TP HCM được nhiều bạn đọc Báo Người Lao động ủng hộ. Bạn đọc dangnghiem, bày tỏ: "Không tăng tuổi hưu là đúng rồi. Tuy nhiên, cách mạng khoa học và công nghệ bùng phát toàn cầu đã và đang giải phóng sức lao động con người, cho nên cũng cần xem xét giảm tuổi hưu để mọi người được tham gia lao động và thụ hưởng thành tựu của nền văn minh nhân loại đã mang lại.
Một bạn đọc tên Tèo không ngần ngại chỉ ra thực trạng các công ty công nghiệp đa số sử dụng lao động chân tay, ít được đào tạo kiến thức làm việc trong môi trường công nghệ. Do vậy, rất ít NLĐ không trụ nổi tới trên 60 tuổi, và việc tăng ca càng ít ở độ tuổi trung niên. "Việc tăng tuổi nghỉ hưu và làm tăng ca nầy cần xem xét lại vì cho rằng già hoá lao động thì cũng xem lại sự già hoá của máy móc thiết bị công nghệ củ đã đầu tư trên hơn 10 năm rồi"-bạn đọc này góp ý.
Đồng quan điểm, bạn đọc Vân Nông đề nghị giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành. "Tăng tuổi nghỉ hưu thì ai sẽ có lợi? Chúng ta không cần phải tăng tuổi nghỉ hưu đâu vì cỡ 60 là đầu óc, trí nhớ, năng lực....giảm đi nhiều rồi có ngồi đó thêm 1, 2 năm cũng chả làm gì". Bạn đọc Lê Cao cũng nhìn nhận ý kiến của ĐB Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy là sắc bén và hết sức thuyết phục. "Xã hội càng tiến bộ văn minh thì nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ tinh thần tăng cao. Quỹ thời gian lấy đâu ra khi ngày chỉ 24 tiếng, đời người chỉ 70 (tuổi thọ tăng). Tăng giờ làm là làm suy kiệt sức khỏe, kèm với tăng tuổi hưu thì lên 62-70 thụ hưởng gì nữa..."- bạn đọc Lê Cao, chia sẻ. Tương tự, bạn đọc Vo Hoa cho rằng ý kiến của nữ Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy là ý hợp lòng dân, bởi kéo dài tuổi hưu chỉ có lợi cho người sáng cắp ô đi chiều cắp ô về mà thôi.
Theo nhiều bạn đọc, Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì những trường hợp thay vì tại thời điểm đó được nghỉ hưu thì họ phải làm thêm 2-3 năm mới được đủ tuổi về hưu, khổ là cũng tại thời điểm sức khoẻ của họ kém đi và không thể đi làm được nữa, điều phải làm là về hưu trước tuổi và ắt họ sẽ mất đi tỷ lệ % x số năm về hưu trước tuổi. "Liệu với mức lương hưu tại thời điểm đó có bảo đảm điều kiện sống của họ không? Rất mong vấn đề này cần được xem xét thấu đáo" – nhiều ý kiến bày tỏ hoài nghi. Một bạn đọc tên Khoa góp ý thẳng: "Ai có bằng cấp, học hàm học vị từ Phó Giáo sư, Phó tiến sĩ trở lên thì được tăng tuổi nghỉ hưu để tập trung chất xám. Những người khác thì vẫn giữ nguyên như cũ".
Bạn đọc Hoàng Hôn cũng hoàn toàn nhất trí ý kiến với vị Chủ tịch LĐLĐ TP. Bạn đọc này cho rằng ý kiến của ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy phản ánh đúng nguyện vọng của số đông NLĐ. Ở một góc nhìn khác, bạn đọc minhnguyen góp ý: "Luật cần phải có quy định phải có tối thiểu 20% lao động nữ từ 45 tuổi trở lên trong số lao động nữ lao động trực tiếp trong công ty. Bây giờ các doanh nghiệp họ tìm đủ mọi cách cho người lớn tuổi nghỉ vì quyền lợi của họ nên phải có luật thực tế theo sát để bảo vệ NLĐ .Nên thống kê thử còn bao nhiêu lao động nữ từ 50 tuổi trở lên trong DN, chứ để lao động nghỉ thì sớm mà chờ nghĩ hưu thì lâu ai mà không lo".
ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh tại Việt Nam, số lượng lao động là CN rất lớn, chủ yếu tham gia vào giai đoạn gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cụ thể là trong lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản, khai thác khoáng sản… những lĩnh vực này đa phần cần lao động trẻ, có sức khỏe và kỹ năng làm việc. "Trong trường hợp tăng tuổi hưu, các lao động này liệu có bảo đảm sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Trường hợp không còn đủ sức khỏe, vô tình họ trở thành gánh nặng và có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng lao động"- ĐB Trần Thị Diệu Thúy nói.
Bình luận (0)