"Mong quý vị đại biểu Quốc hội trước khi bấm nút thông qua hãy lắng nghe ý kiến nhiều chiều khác nhau của nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội, và hãy đặt mình trong đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật để khi luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống và được sự đổng tình cao" – ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã bày tỏ như vậy tại Hội thảo góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 16-7, tại TP HCM.
Ở Việt Nam đa số lao động làm việc tay chân, chất lượng cuộc sống chưa đảm bảo nên đến 60, 62 tuổi họ không còn đủ sức khỏe làm việc
Đề cập đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu đối với ngườ lao động (NLĐ), nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, đề nghị giữ nguyên quy định hiện tại. "Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế của thế giới khi tuổi thọ NLĐ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam đa số lao động làm việc tay chân, chất lượng cuộc sống chưa đảm bảo nên đến 60, 62 tuổi họ không còn đủ sức khỏe làm việc", ông Tùng phân tích. Ông Tùng cũng kiến nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đại trà mà chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng lao động như cán bộ công chức hoặc người làm việc ở một số ngành nghề nhất định để tránh thiệt thòi cho NLĐ.
Ý kiến của ông Tùng nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu, đặc biệt là cán bộ Công đoàn. Theo nhiều bạn đọc, sức khoẻ, thu nhập và điều kiện sống của người Việt không thể so sánh với người nước ngoài nên ban soạn thảo không thể cứng nhắc trong việc đề xuất tăng tuổi hưu.
Bạn đọc Ngọc Lan, góp ý: "Sức khoẻ của người Việt, thu nhập và điều kiện của người Việt không thể so dánh với người nước ngoài nên không thể cứng nhắc trong việc đề xuất tăng tuổi hưu". Theo bạn đọc Dân Viêt, thì nhận xét: "Nói thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân nói chung, NLĐ nói riêng còn thiếu, còn yếu lắm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lao động". Bạn đọc tên Nguyễn nêu ví dụ: "Hôm nay tôi lại nghe thêm một người thân của mình bị ung thư trong vòng nữa năm tôi phải tiễn hai người thân về với ông bà vì ung thư, có thể thấy rõ tình hình sức khỏe của người Việt Nam đang rất có vấn đề".
Một bạn đọc tên Mận chỉ ra thực tế: "Đối với doanh nghiệp (DN), ngoài 40 tuổi là thuộc hàng lao động chuẩn bị tìm mọi cách cho nghỉ rồi, làm gì có chuyện làm việc tới 60, 62 tuổi. Còn lương đóng BHXH thì đúng theo lương tối thiểu, về hưu nhận được mấy đồng liệu có đủ sống không Tăng tuổi nghỉ hưu là phi thực tế vì bộ phận lao động trong DN nhiều hơn bộ phận công chức, viên chức". Đồng quan điểm, bạn đọc tên Tam, viết "Quá đúng. Không nên tăng làm gì. Phụ nữ Việt Nam bé, thấp còi, ...sao so được mà lại tăng đến 60. Thật là vô lý", .Bạn đọc Hung Huy, bày tỏ: "Người già đi làm nhì nhằng đợi cho đến tuổi, Sinh viên ra trường thạm gia rầm rộ vào tập đoàn vận tải đa quốc gia Uber hoặc Grap, Goviet...."
Theo bạn đọc Thanh Cuong, chỉ có công chức biên chế suốt đời làm việc theo kiểu sáng ô đi chiều vác ô về mới thích tăng tuổi hưu để giữ ghế nhằm hưởng lộc. Bạn đọc tên Nguyễn thì ngán ngẫm: "Trẻ muốn làm không được, già muốn nghỉ không cho".
Góp ý nhẹ nhàng hơn, bạn đọc có nick DSG, đề xuất: "Nên làm sao đó để có nhiều lựa chon cho NLĐ không phân biệt ngành nghề, đừng ép NLĐ làm việc khi họ cảm thấy không còn đủ sức.
Bình luận (0)