Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội mà còn làm thay đổi cách nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đối với nguồn lực con người. Bởi nguồn lực này là yếu tố quan trọng giúp DN vượt qua đại dịch cũng như đóng vai trò thiết yếu trong phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Tập trung những vấn đề cốt lõi
San sẻ về những cách làm hay để DN vượt qua đại dịch, vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch bệnh, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nói PNJ đã tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi.
Theo bà Dung, đầu tiên và quan trọng nhất là kết nối người lao động (NLĐ) bền vững với 5 trụ cột gồm: an sinh, sáng tạo, an toàn, gắn kết và sẵn sàng. Tức là làm sao để NLĐ của công ty có được phúc lợi an sinh xã hội tốt nhất, khiến họ cảm thấy hạnh phúc, hài lòng. Trong đó, thúc đẩy tinh thần học hỏi, sáng tạo và tạo môi trường làm việc an toàn để NLĐ thật sự an tâm. Bên cạnh đó, ngoài tổ chức những sân chơi để gắn kết, sẻ chia cùng họ, công ty còn tạo tâm thế sẵn sàng tác chiến để mỗi NLĐ như một chiến sĩ trên mặt trận việc làm.
Ngoài ra, PNJ còn chú trọng tái tạo năng lượng cho đội ngũ lao động và đào tạo nâng cao trình độ, giao quyền nhiều hơn cho họ; tổ chức những buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để lãnh đạo và NLĐ thấu hiểu nhau. Vấn đề cốt lõi thứ 3 là hoạt động mạnh mẽ trong mạng lưới bình đẳng giới. "Trong quá trình hoạt động, chúng tôi xem NLĐ là tài sản quý, văn hóa DN là nền tảng của sự phát triển. PNJ sẽ có những cách làm sáng tạo và làm sao để giúp NLĐ có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ hơn" - bà Dung nói.
Chăm lo sức khỏe của người lao động được các doanh nghiệp quan tâm sau đại dịch Covid-19
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang - cho rằng tạo môi trường bình đẳng, linh hoạt, gắn kết bảo đảm an toàn và phát huy sự sáng tạo của NLĐ là những yếu tố cốt lõi để củng cố nguồn lực quan trọng nhất của DN. "Đây vừa là giá trị nền tảng vừa là động lực phát triển của cả DN và NLĐ. Luôn được tôn trọng, ghi nhận những thành quả đạt được, NLĐ sẽ nỗ lực và sẵn sàng cống hiến cùng DN" - bà Mẫu nhấn mạnh.
Bảo đảm thu nhập cho người lao động
Là DN sử dụng hơn 13.000 lao động (kể cả lao động thuộc các đơn vị liên doanh), lãnh đạo Tổng Công ty CP May 10 cho biết một trong những giải pháp để ổn định nguồn lao động của đơn vị là thường xuyên tổ chức đối thoại toàn thể NLĐ, từ cấp tổ đến cấp xí nghiệp ở tất cả tỉnh, thành có nhà máy. Công khai số điện thoại của tổng giám đốc, để bất cứ khi nào có vấn đề thắc mắc thì NLĐ đều có thể nhắn tin và được giải đáp.
Một trong những yếu tố để giữ chân được nguồn lao động của đơn vị là bảo đảm được thu nhập cho họ. Những năm qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến không có đơn hàng veston, DN phải chuyển sang may khẩu trang nhưng NLĐ không phải nghỉ việc ngày nào. Năm 2020 thu nhập của NLĐ tổng công ty tăng 5%, năm 2021 tăng 7,6%; kết thúc 5 tháng đầu năm 2022, lương bình quân của NLĐ tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Dự án Đầu tư cho sự phát triển của phụ nữ và Mạng lưới DN Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), cho biết vực dậy nguồn lực lao động sau đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự tư duy và hành động tiên phong của lãnh đạo DN. Để NLĐ được quyền lựa chọn sắp xếp công việc linh hoạt, xây dựng điều kiện bảo đảm về làm việc là vấn đề lãnh đạo DN nên quan tâm. "Ngoài yếu tố về lương, thưởng được gia tăng, lãnh đạo DN cũng cần lưu ý về chăm sóc sức khỏe, tinh thần, văn hóa DN và những giá trị cốt lõi để thu hút và gắn kết đội ngũ nhân sự" - bà Thanh nói.
Phục hồi 4 nền tảng trụ cột
Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho biết phục hồi toàn diện, bền vững và tự cường nguồn nhân lực đang trở thành ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia sau đại dịch Covid-19. Điều đáng mừng là Việt Nam đang thực hiện rất tốt để phục hồi 4 nền tảng trụ cột gồm: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bao trùm; bảo vệ tất cả NLĐ; an sinh xã hội toàn cầu; đối thoại xã hội.
Bình luận (0)