Đúng 16 giờ 15 phút thứ bảy, khi hệ thống chuông tại Công ty TNHH May mặc G&G II (100% vốn của Mỹ; quận Bình Tân, TP HCM) reo lên, tất cả công nhân (CN) đều ngừng tay, xếp lại hàng hóa và tham gia tổng vệ sinh nhà xưởng. Đây là chương trình được ban giám đốc và Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH May mặc G&G II phát động CN thực hiện hằng tuần.
Xưởng sạch thì mát
Như một thói quen, tất cả CN lấy những chiếc giẻ lau đã được chuẩn bị sẵn để vệ sinh máy và bàn làm việc. Sau đó, họ quét mạng nhện trên các dàn đèn, thu gom vải vụn trên nền nhà xưởng. Chỉ 15 phút sau, nhà xưởng đã sạch sẽ, bộ phận bảo trì cúp cầu dao điện và tất cả CN ra về.
Công nhân Công ty TNHH May mặc G&G II làm vệ sinh nhà xưởng
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May mặc G&G II, cho biết mỗi ngày, tất cả CN đều phải đến sớm 5 phút để dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc. Chiều thứ bảy hằng tuần, công ty dành ra 15 phút để CN tổng vệ sinh. Việc này trở thành nếp tại công ty. Tuy nhiên, theo ông Sơn, để đưa CN vào nền nếp, công ty gặp không ít trở ngại bởi ý thức của một bộ phận CN chưa cao. Khi ban giám đốc và CĐ phát động phong trào 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), nhiều CN đã đến gặp chủ tịch CĐ phàn nàn: "Chúng tôi vào đây để làm việc chứ không phải làm vệ sinh". Bên cạnh việc kiên trì giải thích, các tổ trưởng CĐ tiên phong thực hiện trước để làm gương. Nhận thấy việc vệ sinh sạch sẽ hạn chế bệnh nghề nghiệp và tăng năng suất lao động, dần dà CN hiểu ra và ủng hộ.
Anh Lý Minh Tâm, CN chuyền 3, bày tỏ: "Việc dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc giúp CN hình thành thói quen tốt có lợi cho bản thân và công việc nên ai cũng ủng hộ và phong trào càng lan tỏa".
Tham gia phân loại rác
Không chỉ tham gia dọn dẹp vệ sinh hằng ngày, hằng tuần, CN Công ty TNHH May mặc G&G II còn tham gia phân loại rác tại nguồn. Ông Trần Đình Trang, quản lý nhà máy, kể: "Khi ban chấp hành CĐ đề xuất việc phân loại rác tại nguồn, ban giám đốc, bộ phận quản lý phân vân vì thực hiện việc này không đơn giản. Thế nhưng, chúng tôi vẫn kiên quyết triển khai bởi chưa thử thì làm sao biết có thành công hay không".
Từ suy nghĩ ấy, CĐ cơ sở đã hướng dẫn cho CN cách phân biệt rác vô cơ (bao ni-lông, giấy, hộp đựng thức ăn...) và rác tái chế (bìa carton, chai nước ngọt...). Những loại rác thải nguy hại như bóng đèn, giẻ lau máy... được hướng dẫn để riêng và công ty ký kết với một đơn vị chuyên xử lý đến thu gom. Với rác hữu cơ, sau bữa ăn, mỗi CN tự để riêng từng món như muỗng, nĩa, đũa và thức ăn thừa để nhân viên nhà ăn dễ dàng dọn dẹp và thu gom. Mỗi CN tự phân rác rồi giữ lại ngay chỗ làm. Cứ 2 giờ/lần, CN vệ sinh đẩy xe ngang qua các chuyền và lấy rác đã được phân loại sẵn.
Bình luận (0)