Các hiệp định này, bên cạnh các quy định về hoạt động kinh tế còn bao hàm nhiều quy định, nguyên tắc về lao động, môi trường, quyền con người, trong đó có những quy định về tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ). Thực tế này đặt tổ chức Công đoàn trước những yêu cầu cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Saigon Food (bìa trái), tặng quà cho công nhân khó khăn. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, tổ chức Công đoàn cần tập trung thực hiện chức năng cốt lõi của mình là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Làm tốt điều này không chỉ đơn thuần là thực hiện trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ mà còn khẳng định chỗ đứng của Công đoàn tại DN. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động do gặp khó khăn về đơn hàng, vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ của tổ chức Công đoàn cần thể hiện hơn bao giờ hết.
Với Công đoàn cơ sở, cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động hợp lý cũng như tăng cường giám sát việc chi trả chế độ chính sách cho NLĐ. Về phía Công đoàn cấp trên, ngoài phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo, cần chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời lao động mất việc, ưu tiên giải quyết việc làm và đào tạo nghề nhằm giúp NLĐ ổn định cuộc sống.
Hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động cũng nên là mục tiêu tổ chức Công đoàn hướng đến. Ngoài phải bảo đảm ngoài lợi ích của NLĐ, Công đoàn cũng phải mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động thông qua các hoạt động như giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, rèn giũa tác phong công nghiệp; tư vấn hỗ trợ DN hoàn thiện chế độ chính sách đãi ngộ NLĐ. Hoạt động hỗ trợ của Công đoàn phải có tính bền vững thì mới nhận được sự ủng hộ từ chủ sử dụng lao động.
Sự hiện diện của các tổ chức đại diện NLĐ trong tương lai đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. NLĐ chỉ tự nguyện gia nhập Công đoàn khi thấy lợi ích mà tổ chức này mang lại, do vậy điều này càng đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức Công đoàn trong việc tập hợp đoàn viên. Để khẳng định sự hiện diện của tổ chức Công đoàn tại DN, trước tiên cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về Công đoàn, cụ thể là Luật Công đoàn, bởi đây là hành lang pháp lý để Công đoàn làm tốt vai trò được pháp luật quy định.
Theo tôi, khi sửa Luật Công đoàn và Bộ Luật Lao động, cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn ở các cấp, đặc biệt là Công đoàn cơ sở; tập trung hơn nữa vào các quy định liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động; có chế tài đủ mạnh xử lý các vi phạm về pháp luật lao động và Công đoàn.
Bình luận (0)