Đây là nhiệm vụ sống còn cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, điều kiện hoạt động khác nhau, tổ chức Công đoàn sẽ đối mặt với những thách thức khác nhau, đòi hỏi Công đoàn phải không ngừng đổi mới, chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân bị thiếu việc, phải giảm giờ làm tại quận 8, TP HCM .Ảnh: THANH NGA
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của đoàn viên - lao động. Đã có hàng trăm ngàn người lao động (NLĐ) trong cả nước bị mất việc, thiếu việc, giảm lương. Trong khi đó, quan hệ lao động cũng thay đổi, nhiều doanh nghiệp giải thể, thu hẹp sản xuất, sắp xếp lại lao động do khó khăn kéo dài khiến tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động. Bối cảnh đó đã buộc tổ chức Công đoàn phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chương trình hỗ trợ với quy mô lớn nhằm san sẻ khó khăn với NLĐ.
Trong đó phải kể đến chương trình 1 triệu túi an sinh Công đoàn, hỗ trợ đoàn viên mắc bệnh theo Quyết định 3749... Chỉ trong thời gian ngắn, các cấp Công đoàn đã chi hơn 5.800 tỉ đồng để chăm lo cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, Công đoàn tiếp tục sát cánh với đoàn viên bị giảm giờ làm, mất việc theo Quyết định 6696...
Song song với các chương trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức Công đoàn TP HCM với sự năng động vốn có cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực đến đoàn viên - lao động khó khăn. Sự sẻ chia kịp thời này đã góp phần củng cố niềm tin của NLĐ với tổ chức Công đoàn.
TP HCM là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn TP HCM luôn là ngọn cờ đầu của cả nước. Để xứng đáng với niềm tin yêu của đoàn viên - lao động, theo tôi, tổ chức Công đoàn TP HCM phải tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nỗ lực đổi mới; hoạt động ngày càng được chuyên môn hóa. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, các cấp Công đoàn thành phố cần theo dõi sát sao tình hình, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên - lao động để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm giúp họ vượt khó.
Cuộc sống NLĐ còn vô vàn nỗi lo nhưng đồng lương ít ỏi, họ gần như không có tích lũy, chi tiêu dè sẻn, chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần đều thấp. Để giúp NLĐ cải thiện cuộc sống, tổ chức Công đoàn TP HCM phải đẩy mạnh chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn". Đây là giải pháp hiệu quả để quảng bá hình ảnh Công đoàn, đưa Công đoàn đến gần hơn với đoàn viên - lao động. Tôi mong trong thời gian tới, chương trình sẽ được mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực, không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, chăm sóc sức khỏe, học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ vốn vay giải quyết khó khăn… mà còn có tính chất thường xuyên để ngày càng đông CNVC-LĐ được tiếp cận, thụ hưởng, cải thiện cuộc sống.
Thời gian tới, Công đoàn cần chủ động hơn nữa trong góp ý, thể hiện tiếng nói của tổ chức trong xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến NLĐ. Đây là giải pháp căn cơ để bảo vệ, nâng chất lượng sống của đoàn viên - lao động, đồng thời thể hiện lập trường, giữ vững vị thế của mình.
Bình luận (0)