Khu trọ văn minh nghĩa tình của ông Nguyễn Ngọc Thạch (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) là một trong những khu trọ cam kết không tăng giá thuê phòng
TP HCM đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho chủ nhà trọ hiểu rõ và thực hiện việc bán điện, nước theo chính sách của nhà nước; kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với những trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Đến TP HCM lập nghiệp, mong muốn của đại bộ phận CN ngoại tỉnh là có được công ăn việc làm, thu nhập ổn định, xa hơn là tích lũy cho tương lai. Để tiết kiệm chi tiêu, việc chọn nơi ở với giá thuê vừa phải, phù hợp thu nhập là ưu tiên hàng đầu. Nếu như số đông chủ nhà trọ bày tỏ sự cảm thông bằng việc lấy giá thuê phòng và tính tiền điện, nước với mức phải chăng để san sẻ khó khăn với CN ngoại tỉnh thì vẫn còn một bộ phận nhỏ có hành vi “té nước theo mưa”.
Thực tế, sau những đợt điều chỉnh LTT, điều CN lo lắng nhất là chủ nhà trọ thông báo tăng giá thuê phòng, kèm theo đó là chi phí điện, nước cũng tăng. Rất đông CN, nhất là người có thu nhập bấp bênh, vì không đáp ứng được yêu cầu này đã phải dọn đi nơi khác, dĩ nhiên là xa nơi làm việc. Điều này khiến CN không chỉ mất thời gian để di chuyển mà còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể việc chăm sóc con cái. Thay đổi chỗ ở, chỗ gửi con và cố gắng tối đa để thích nghi với điều kiện sống mới dĩ nhiên không phải là điều họ mong muốn. Chưa hết, thông tin về việc các mặt hàng tiêu dùng rục rịch tăng giá càng khiến áp lực đè nặng lên đời sống CN.
Tiếp xúc với chúng tôi, một chủ nhà trọ tại quận Thủ Đức, TP HCM bức xúc: “Xa quê kiếm sống, thu nhập chủ yếu từ lương nên tụi nhỏ sống rất chắt chiu, tằn tiện. Mình là dân địa phương, giúp được cái gì thì giúp, sao lại gây khó cho CN?”.
TP HCM là một TP nghĩa tình. Nhiều năm qua, từ vận động của tổ chức CĐ, nhiều chủ nhà trọ đã tích cực hưởng ứng chương trình không tăng giá thuê phòng để san sẻ khó khăn với CN. Chung sức với tổ chức CĐ TP, ngành điện, nước cũng triển khai chương trình bán điện, nước sinh hoạt đúng giá cho CN nghèo, góp phần động viên họ an tâm làm việc. Đã có hàng chục ngàn CN nhập cư được hưởng lợi từ các chương trình này và an tâm cống hiến sức mình vì sự phát triển của TP. Rõ ràng, hành vi “té nước theo mưa” của một một bộ phận chủ nhà trọ rất đáng phê phán, đi ngược lại truyền thống “lá lành đùm lá rách”, luôn dang rộng vòng tay với người nghèo xa xứ của cư dân một TP năng động, nghĩa tình.
Theo sát đời sống CN nên hơn ai hết, đội ngũ cán bộ CĐ các cấp không khỏi băn khoăn, lo lắng. Thật khó để CN an tâm làm việc khi niềm vui tăng lương bị một bộ phận chủ nhà trọ dập tắt. Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, bày tỏ: “San sẻ khó khăn với CN là trách nhiệm của cả cộng đồng. Do vậy, chủ nhà trọ phải hiểu và thông cảm với những khó khăn mà CN ngoại tỉnh phải đối diện hằng ngày. Đồng cảm và có hành động sẻ chia thiết thực với CN cũng là đạo đức của người kinh doanh”.
Bình luận (0)