Sáng 8-1, tại Nhà Thiếu nhi TP HCM, LĐLĐ thành phố phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức chương trình "Tết cho em" lần 2 năm 2023. Chương trình đặc biệt này dành cho 300 thiếu nhi là con CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng quà cho con công nhân bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Năm mới đầm ấm hơn
Đến với chương trình, trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động vui nhộn của những trò chơi dân gian, được chụp hình lấy liền, tham gia trò chơi có thưởng, thưởng thức văn nghệ - ảo thuật…
Dù rất mệt mỏi do thức khuya làm việc nhưng anh Lê Đình Duy (ngụ quận 6, TP HCM) vẫn cố gắng đưa con trai 3 tuổi tên Lê Bình Huy đến tham gia chương trình. Anh Duy là tài xế nên thường xuyên đi sớm về khuya, nhất là những ngày cận Tết trong khi 2 con còn nhỏ. Vợ anh mất vì mắc COVID-19 vào tháng 8-2021 khi đang mang thai hơn 6 tháng. Nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cứu được con anh, còn người vợ thì không qua khỏi.
Nghẹn ngào kể lại những ngày tháng nhọc nhằn đó, anh Duy cho rằng ông trời nghiệt ngã đã lấy đi người vợ tảo tần, để lại cho anh 2 đứa con nhỏ. Bé sau do sinh thiếu tháng nên phải chăm sóc đặc biệt. Đến nay, cháu đã hơn 16 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 8 kg, chỉ bò, chưa đứng vững được và mắc rất nhiều bệnh. Còn Huy, từ ngày mẹ mất cháu khá ngoan, nay đã học lớp mầm.
"Nhìn đứa con thứ hai, tôi đau lắm bởi cháu chưa được thấy mặt mẹ. Từ ngày vợ mất đi, 2 con chính là động lực để tôi làm việc nhiều hơn. Cảm ơn chương trình "Tết cho em" đã quan tâm, chăm sóc những gia đình có hoàn cảnh không may như tôi" - anh Duy bày tỏ.
Cùng cảnh "gà trống nuôi con", anh Trần Văn Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM) xúc động tâm sự "Tết cho em" đã phần nào tiếp thêm nguồn lực cho gia đình anh trong chặng đường sắp tới. Nắm chặt tay cậu con trai 9 tuổi, anh bồi hồi nhớ lại giữa tháng 7-2021, nhận thấy vợ có dấu hiệu sốt cao bất thường, anh đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra.
"Sau khi test nhanh COVID-19, bác sĩ yêu cầu vợ tôi nhập viện và đề nghị người nhà ra về. Thế nhưng, khi tôi vừa về đến nhà thì con gái mếu máo cho hay bác sĩ gọi điện thoại thông báo mẹ cháu đã qua đời. Lúc đó tôi chết sững vì mọi việc diễn biến quá nhanh" - anh Dũng thảng thốt.
Anh Dũng là công nhân xây dựng nên thu nhập bấp bênh. Vừa cáng đáng kinh tế gia đình vừa chăm sóc 2 con nên anh vô cùng vất vả. Động lực lớn nhất của anh là cả 2 con đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Với phần quà Tết từ chương trình, anh dự định sẽ sắm sửa quần áo mới cho con và mua ít bánh mứt để gia đình có một năm mới đầm ấm hơn.
Nuôi dưỡng ước mơ
Thức dậy từ 5 giờ sáng để cùng mẹ đi nhận quà, Phan Thị Trường An, học sinh lớp 6 Trường THCS Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết rất vui vì được tham gia nhiều trò chơi dân gian, được chụp ảnh lấy liền và được nhận quà Tết. Cha An đã qua đời do mắc COVID-19, để lại mẹ và 3 chị em An. Trước đây, cha là trụ cột trong nhà nên từ ngày cha mất, đôi vai của mẹ An thêm nặng gánh.
Mẹ An là nhân viên thu ngân siêu thị với đồng lương ít ỏi, không đủ nuôi 3 con - cô con gái lớn đang học đại học, con thứ 2 học lớp 11 và An. May mắn là cả 4 mẹ con An được người chú cho ở nhờ nên không tốn tiền thuê nhà trọ.
"Dù sức khỏe không tốt nhưng mẹ luôn lo chu toàn cho mấy chị em con. Thương mẹ nên con và 2 chị đều chăm ngoan, học giỏi và phụ mẹ việc nhà" - An cho biết. Ước mơ của An sau này là trở thành nhà thiết kế thời trang.
Cũng mất cha do dịch COVID-19, cháu Võ Tiến Đạt, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (quận 6, TP HCM) đón xe ôm một mình đến nhận quà. Đạt cho biết mẹ phải bán đồ ăn sáng, đó là nguồn thu nhập duy nhất của 2 mẹ con nên không thể đi cùng. Cha qua đời sớm là sự mất mát quá lớn đối với Đạt và gia đình - từ miền Trung vào TP HCM lập nghiệp. Đạt ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy toán bởi đó cũng là mong mỏi của người cha quá cố.
Thương mẹ nên mỗi ngày Đạt dậy từ 4 giờ sáng phụ dọn hàng và bán đến gần 7 giờ thì đi học. Chiều về, Đạt phụ lặt rau, xắt ớt, hầm xương... chuẩn bị cho một ngày buôn bán của mẹ. "Con biết mẹ cực lắm, nhiều khi ốm vẫn gượng dậy làm, không bỏ ngày nào vì các khoản chi phí và tiền ăn học của con. Với phần tiền và quà hôm nay, chắc mẹ con rất vui" - Đạt bày tỏ.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho con công nhân vượt khó, học giỏi. Ảnh: TẤN THẠNH
San sẻ yêu thương
Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đại dịch qua đi để lại nhiều hậu quả, mà trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều ngôi nhà vắng bóng người thân, thiếu đi những tiếng cười trẻ thơ bởi cha hoặc mẹ đã không còn.
"Với mong muốn san sẻ một phần yêu thương, mang niềm vui, hơi ấm của mùa xuân đến với con CNVC-LĐ khi ngày Tết đang cận kề, LĐLĐ TP HCM phối hợp với Báo Người Lao Động cùng sự hỗ trợ của Thành Đoàn TP HCM, Nhà Thiếu nhi thành phố, các nhà tài trợ tổ chức chương trình "Tết cho em" lần 2 năm 2023" - bà Thúy nhấn mạnh.
Đại diện nhà tài trợ chương trình, ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Văn phòng Đại diện Agribank khu vực Miền Nam, cho biết Agribank dành 300 triệu đồng để hỗ trợ các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi trong chương trình "Tết cho em" lần 2.
"Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng những phần quà này sẽ giúp các cháu có thêm động lực học tập, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội" - ông Kiên kỳ vọng.
Ông TÔ ĐÌNH TUÂN - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Đồng hành chăm lo cho con công nhân khó khăn
Đây là lần thứ 2 Báo Người Lao Động đồng hành cùng LĐLĐ TP HCM tổ chức chương trình "Tết cho em". Chương trình đầy ý nghĩa này được tổ chức trong bối cảnh nhiều cháu mồ côi do cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mất vì dịch COVID-19; nhiều cháu là con em gia đình công nhân lao động khó khăn nhưng vượt lên học giỏi, chăm ngoan.
Đây là nỗ lực của Đảng ủy, Ban Biên tập và tập thể người lao động Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng Agribank. Chương trình nhằm giúp các cháu nhanh chóng vượt qua mất mát, khó khăn để học tập, rèn luyện cho một tương lai tươi sáng hơn.
Không chỉ có "Tết cho em", ngày 16-9-2021, ngay khi biết được hàng ngàn em nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã nhanh chóng phát động chương trình "Tình thương cho em" để kịp thời hỗ trợ. Chương trình đã chăm lo cho hơn 400 cháu có người thân mất trong đại dịch, với mức hỗ trợ mỗi trường hợp 5 triệu đồng.
Bình luận (0)